Đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm văn hóa ấm thực đặc trưng của tỉnh Bắc Ninh

31/05/2022 08:36 View Count: 209

Bắc Ninh không chỉ vang danh là vùng đất Kinh Bắc với những làn điệu dân ca quan họ cổ truyền, với những ngôi chùa cổ linh thiêng mà còn nức tiếng với một nền văn hóa ẩm thực đa dạng, các làng nghề ẩm thực truyền thống, trong đó các món ăn truyền thống dân dã của miền quê đã in sâu vào tâm trí mỗi người, nhất là những người con xa xứ.

Các sản phẩm văn hóa ẩm thực đặc trưng của tỉnh được sản xuất, chế biến chủ yếu tại 15 làng nghề truyền thống, bao gồm: sản phẩm rượu gạo (ở làng nghề thuộc thành phố Từ Sơn, huyện Yên Phong, Lương Tài); đậu phụ, nem bùi, bánh cuốn, bánh tro (huyện Thuận Thành); mỳ bún, phở (huyện Yên Phong, Lương Tài); bánh tẻ (huyện Yên Phong); bún, phở tươi, bánh khúc (thành phố Bắc Ninh); bánh phu thê (thị xã Từ Sơn)… Các sản phẩm được tiêu thụ chủ yếu trong nội tỉnh và một số tỉnh lân cận như Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang,…

Nét hấp dẫn của nền văn hóa ẩm thực Bắc Ninh còn được thể hiện thông qua các hoạt động ẩm thực đường phố, hàng quán, gánh rong được bày bán ở nhiều nơi trên đường phố, trong các chợ hay các khu gần chợ, chợ đêm, tại nơi diễn ra lễ hội của các địa phương … rất phong phú và đa dạng. Ngoài những món ăn truyền thống, còn có những món là sản phẩm của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa của các địa phương khác đã thu hút nhiều người dân trong tỉnh và du khách tham quan.

Những năm qua, nền kinh tế phát triển của tỉnh theo hướng công nghiệphóa, hiện đại hóa, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới thì hoạt động văn hóa ẩm thực đặc trưng, làng nghề truyền thống cũng đã có bước phát triển nhất định. Hoạt động xúc tiến, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm tập trung đẩy mạnh, triển khai, hướng dẫn đến từng địa phương tham gia phát triển sản phẩm đảm bảo tiêu chí, quy trình đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP, chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn tỉnh đã có 55 sản phẩm thực phẩm đạt chứng nhận OCOP, trong đó 13 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 42 sản phẩm đạt hạng 4 sao.

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội và nền văn hóa ẩm thực đặc trưng của tỉnh, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, làng nghề ẩm thực truyền thống được các ủy đảng, chính quyền quan tâm, sát sao chỉ đạo. Theo Quyết định số 21/2018/QĐ-UBND ngày 06/8/2018 của UBND tỉnh về việc “Ban hành quy định phân công, phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh”, UBND cấp huyện, xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có quy mô từ dưới 200 suất ăn/lần phục vụ; cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố; cơ sở bán hàng rong; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong các khu du lịch, lễ hội. Theo đó, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm văn hóa ẩm thực đặc trưng của tỉnh được triển khai mạnh mẽ từ tuyến địa phương cơ sở thông qua các hoạt động hướng dẫn, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục nhằm góp phần nâng cao ý thức, thực hành của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người dân trên bàn tỉnh.

Tuy nhiên, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sự phát triển nhanh chóng của nền văn hóa ẩm thực nói chung và các làng nghề ẩm thực truyền thống của tỉnh nói riêng vẫn còn một số khó khăn, tồn tại: Các hộ sản xuất, kinh doanh chủ yếu là các hộ nhỏ lẻ, hợp tác xã, phát triển theo phương thức truyền thống, công nghệ sản xuất thủ công, lạc hậu; hầu hết các hộ chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm, việc tiếp cận thị trường còn hạn chế nên tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn; trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề của người sản xuất còn thấp; trình độ quản lý của chủ cơ sở chưa cao; nhiều cơ sở sản xuất trong các làng nghề chưa chú trọng đến việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng... Việc các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, hợp tác xã tự đăng ký bản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm chưa cao do tập quán sản xuất từ nhiều thập kỷ, cần có thời gian, không thể làm trong một thời gian ngắn. Do vậy, việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu đầu vào và yêu cầu đảm bảo các tiêu chí về an toàn thực phẩm đối với các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ vẫn là một khó khăn lớn trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm hiện nay.

Xác định việc phát triển văn hóa ẩm thực đặc trưng của tỉnh là một trong những hướng đi quan trọng để thúc đẩy sự phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của tỉnh. Mỗi địa phương cần phải có trách nhiệm trong việc bảo tồn, phát huy giá trị các sản phẩm văn hóa ẩm thực đặc trưng, đồng thời cần có chính sách đầu tư liên kết, hợp tác giữa các địa phương, làng nghề cùng ngành nghề, giữa làng nghề với cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và với các doanh nghiệp để hợp tác gia công và tiêu thụ sản phẩm; áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, kết hợp với công nghệ truyền thống trong các làng nghề. Đồng thời, xác định công tác đảm bảo an toàn thực phẩm là điều kiện tiên quyết để phát triển, tiêu thụ sản phẩm thực phẩm an toàn, góp phần mở rộng thị trường cũng như phát triển văn hóa ẩm thực đặc trưng của tỉnh. Để giải quyết một số vấn đề còn khó khăn, tồn tại trong công tác quản lý các sản phẩm văn hóa ẩm thực đặc trưng của tỉnh hiện nay, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đề xuất một số giải pháp:

Một là: Nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là các cấp chính quyền địa phương trong chỉ đạo, giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; phát huy sự chủ động, tích cực của Mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội đặc biệt là tổ giám sát cộng đồng tại các thôn, khu, tổ khu phố và các tầng lớp nhân dân trong công tác đảm bảo an toàn phẩm đối với các sản phẩm văn hóa ẩm thực đặc trưng của địa phương.

Hai là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao ý thức, thực hành của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; đặc biệt tuyên truyền sâu rộng tới từng hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tại các làng nghề ẩm thực truyền thống, người bán hàng rong, kinh doanh thức ăn đường phố để người dân hiểu rõ đảm bảo an toàn thực phẩm là vấn đề hết sức quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực, gắn với quảng bá du lịch, thương hiệu và sự phát triển của tỉnh. Đồng thời, biểu dương các mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương phù hợp quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương.

Ba là: Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, ban hành các chính sách hỗ trợ về an toàn thực phẩm để phát triển làng nghề truyền thống, sản phẩm đặc trưng. Hỗ trợ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm truyền thống. Hỗ trợ kết nối tiêu thụ, quảng bá và giới thiệu sản phẩm; mở rộng chuỗi cung ứng sản phẩm thực phẩm an toàn, chương trình OCOP gắn với sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh nhằm đưa những sản phẩm thực phẩm truyền thống có giá trị ra thị trường trong nước và quốc tế, tạo thương hiệu cho các sản phẩm văn hóa ẩm thực đặc trưng của các địa phương.

Bốn là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra, giám sát của các cấp chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đặc biệt là tuyến xã, phường, thị trấn và của người dân trong việc tuân thủ các quy định của pháp về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm văn hóa ẩm thực đặc trưng.

Năm là: Có kế hoạch, lộ trình từng bước tiến tới thực hiện triệt để việc tách khu sản xuất, làng nghề ra khỏi khu dân cư, quy hoạch xây dựng hợp lý khu công nghiệp làng nghề mới đảm bảo các tiêu chí về điện, nước, hệ thống xử lý chất thải, cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo an toàn thực phẩm. Tiếp tục nhân rộng mô hình “Quản lý thức ăn đường phố an toàn”, “Chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm” đến các địa phương nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển một nền văn hóa ẩm thực phẩm an toàn, đậm đà bản sắc Kinh Bắc.

Phòng Nghiệp vụ