Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội

22/10/2022 17:00 View Count: 93

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sáng 22/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Ninh tham gia thảo luận tại tổ 14, cùng với tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh điều hành thảo luận tại tổ 14.

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội cho rằng, trong năm vừa qua, kinh tế - xã hội nước ta đã phục hồi mạnh mẽ với nhiều điểm sáng. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm trong điều kiện gặp nhiều khó khăn. Thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8%. Sự phục hồi kinh tế diễn ra khá đồng đều giữa các địa phương, trong đó nhiều địa phương đạt tốc độ tăng trưởng cao.

Đại biểu Trần Quốc Tỏ.

Bày tỏ đồng tình với báo cáo của Chính phủ, đại biểu Trần Quốc Tỏ, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đã trao đổi, làm rõ hơn những kết quả đạt được của Bộ Công an trong 9 tháng năm 2022, góp phần đảm bảo an ninh kinh tế, an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn và đề nghị báo cáo cần phải thẳng thắn đánh giá rõ hơn về những tồn tại trong công tác quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội, đồng thời đề nghị khắc phục vấn đề trên, nhằm tạo niềm tin trong nhân dân.  

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo.

Liên quan đến giải pháp phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đưa ra dự báo và phân tích những khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, nhất là phân tích bối cảnh trong nước, thế giới; việc điều hành lãi suất, tỷ giá, đảm bảo ổn định hệ thống tiền tệ, ngân hàng; kiểm soát lạm phát; vấn đề thu ngân sách và điều tiết ngân sách; việc thực hiện chính sách phục hồi kinh tế...

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Như So, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, nền kinh tế của nước ta đang phải đối mặt với khủng hoảng đa tầng: xung đột Nga-Ukraine; biến đổi khí hậu; hậu quả của dịch COVID-19, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu... Cộng đồng doanh nghiệp chính là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề từ cú sốc kép về dịch bệnh và khủng hoảng địa chính trị này, phải đối mặt với khó khăn về tài chính như thiếu vốn; chi phí đầu vào cho sản xuất tăng cao; những chi phí liên quan đến logistics, sản lượng sản xuất hàng hóa giảm do sự thắt chặt chi tiêu… Trong 9 tháng đầu năm 2022, có 112.698 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Đại biểu Nguyễn Như So.

Theo đại biểu, bài toán đặt ra là làm thế nào để các doanh nghiệp chuẩn bị được sức khỏe tốt, hạn chế chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài và phát triển vững mạnh, trở thành nòng cốt cho phát triển kinh tế? Về giải pháp, đại biểu đề xuất tập trung thực hiện một số giải pháp sau: Ưu tiên tháo gỡ các rào cản về thể chế, đặc biệt là hai chỉ số kém cạnh tranh nhất là Hoạt động của khu vực công và Quyền tài sản, bao gồm cả sở hữu trí tuệ và chất lượng hành chính đất đai, để cải thiện khả năng cạnh tranh, đây là “nút thắt” quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay để gia tăng niềm tin của doanh nghiệp và dân chúng; Cần xây dựng các chính sách đặc thù về đất đai, tiếp cận nguồn vốn, cải thiện môi trường kinh doanh lành mạnh nhằm khơi dậy sức mạnh nội lực bên trong của doanh nghiệp nội địa; Xây dựng bền vững các chuỗi cung ứng bằng cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, gia tăng tỉ lệ nguồn cung nội địa và chủ động tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; Điều chỉnh linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ, bám sát tình hình thực tiễn nhằm gia tăng nguồn lực cho doanh nghiệp; Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ sống còn của doanh nghiệp để tồn tại, tăng sức cạnh tranh và là cấu thành quan trọng để vận hành Chính phủ số.

Chiều nay (22/10), tại hội trường Diên Hồng, Quốc hội nghe: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở./.

Source: Cổng TTĐT tỉnh Bắc Ninh