Nâng cao chất lượng giám sát, phòng ngừa và quản lý ngộ độc thực phẩm
Những năm qua, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ các hoạt động giám sát, phòng ngừa, giúp giảm thiểu nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cũng như tác động ảnh hướng xấu đến sức khỏe người dân.
Phó Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Trần Danh Phượng (thứ nhất từ trái qua) cùng Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ Bình Minh VINA (thành phố Bắc Ninh).
Cùng với hoạt động giám sát, Ban thành lập Đội điều tra ngộ độc thực phẩm phản ứng nhanh sẵn sàng điều tra, xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm và sự cố về an toàn thực phẩm khi xảy ra; thông báo số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin ngộ độc thực phẩm, phản ánh của người dân, các cơ sở y tế, các tổ chức doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2018 – 2023, Ban đã tiến hành lấy hơn 58.000 mẫu thực phẩm kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Các mẫu thực phẩm bao gồm: thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến, bao gói sẵn dùng liền, nước uống tinh khiết, đá viên, thực phẩm giảm cân, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi,… và một số sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Phó Trưởng Ban Quản lý ATTP tỉnh Nguyễn Quang Huy (đứng giữa) cùng các thành viên trong Đoàn kiểm tra của tỉnh kiểm tra tại Cửa hàng tự chọn K-Market (thành phố Bắc Ninh).
Kết quả, số mẫu đạt chiếm 89,1%; mẫu không đạt chiếm chiếm 10,9%. Các mẫu không đạt chủ yếu: Chỉ tiêu vi sinh vật đối với sản phẩm ớt bột, bánh phu thê, bánh dầy, giò, chả...; chỉ tiêu chì, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với rau, củ tươi sống; tinh bột, dầu mỡ; chất cấm sibutramine trong thực phẩm giảm cân...
So sánh với giai đoạn 2012 - 2017, tổng số mẫu giám sát mối nguy tăng gần 2,8 lần, trong đó tỷ lệ mẫu đạt tăng 8,8%.
Đoàn kiểm tra liên ngành cuả tỉnh kiểm tra tại Công ty cổ phần sản xuất và thương mại SBT (KCN Thuận Thành II).
Đối với các mẫu kiểm nghiệm có chỉ tiêu không bảo đảm theo quy định, Ban đã thành lập đoàn thanh tra đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm không đạt chỉ tiêu an toàn, thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm theo quy trình thanh tra và xử lý theo quy định của pháp luật; thông tin tới các Sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan báo chí, phát thanh truyền thông của tỉnh để phối hợp, tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân về các sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn để biết và không sử dụng.
Trong 06 năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 09 vụ ngộ độc thực phẩm. Số vụ ngộ độc thực phẩm và số người mắc giảm gần 4 lần, số vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người mắc giảm 2,5 lần so với giai đoạn 2012 - 2017. Trong 03 năm 2021, 2022, 2023 không có vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người mắc.