Nghị định số 15/2018/NĐ-CP: Một số quy định mới trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

24/07/2018 08:24 View Count: 475

Ngày 02/02/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một điều của Luật An toàn thực phẩm (thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP), theo đó công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm sẽ có nhiều thay đổi

Thứ nhất: Mở rộng đối tượng cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm

Nghị định 15 quy định cụ thể 10 nhóm đối tượng không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP (tăng 06 nhóm so với Nghị định 38/2012/NĐ-CP, tuy nhiên các cơ sở thuộc các nhóm trên phải tuân thủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định):

1. Sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;

2. Sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định;

3. Sơ chế nhỏ lẻ;

4. Kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;

5. Kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn;

6. Sản xuất, kinh doanh dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm;

7. Nhà hàng trong khách sạn;

8. Bếp ăn tập thể không có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm;

9. Kinh doanh thức ăn đường phố;

10. Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.

Thứ hai: Thay đổi phương thức công bố chất lượng đối với sản phẩm thực phẩm

Trước đây Nghị định 38 quy định thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn; phụ gia thực phẩm; chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm (sau đây gọi chung là sản phẩm) đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, Nghị định 15 đã xây dựng theo hướng cắt giảm các thủ tục hành chính về công chất lượng sản phẩm  chuyển từ tiền kiểm chuyển sang hậu kiểm gắn với cam kết tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp về sản phẩm tự công bố. Ngoài ra còn quy định miễn tự công bố đối với một số sản phẩm, nguy liệu, cụ thể như sau:

1. Nhóm sản phẩm được miễn thực hiện thủ tục tự công bố sản phẩm: Sản phẩm, nguyên liệu sản xuất, nhập khẩu chỉ dùng để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ cho việc sản xuất nội bộ của tổ chức, cá nhân không tiêu thụ tại thị trường trong nước.

2. Nhóm sản phẩm phải thực hiện thủ tục tự công bố sản phẩm: Các sản phẩm thực phẩm qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ chứa đựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

3. Nhóm sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm:

- Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt;

- Sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi;

- Phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định.

Kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu sản phẩm thực phẩm bao gói sẵn

Thứ ba: Thay đổi thẩm quyền, hình thức tiếp nhận công bố sản phẩm

1. Đối với nhóm sản phẩm thuộc diện phải thực hiện thủ tục tự công bố sản phẩm: Tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử của mình hoặc niêm yết công khai tại trụ sở của tổ chức, cá nhân và nộp 01 (một) bản qua đường bưu điện hoặc trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do UBND cấp tỉnh chỉ định (đối với Bắc Ninh, Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh).

Lưu ý:

- Ngay sau khi tự công bố sản phẩm, tổ chức, cá nhân được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm và chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn của sản phẩm đó;

- Trong trường hợp tổ chức, cá nhân có từ 02 (hai) cơ sở sản xuất trở lên cùng sản xuất một sản phẩm thì tổ chức, cá nhân chỉ nộp hồ sơ tại một cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương có cơ sở sản xuất do tổ chức, cá nhân lựa chọn. Khi đã lựa chọn cơ quan quản lý nhà nước để nộp hồ sơ thì các lần tự công bố tiếp theo phải nộp hồ sơ tại cơ quan đã lựa chọn trước đó.

2. Đối với nhóm sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố sản phẩm thì thẩm quyền tiếp nhận của các cơ quan như sau:

- Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế: Tiếp nhận các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm chưa có trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định;

- Ban Quản lý ATTP tỉnh (tại Bắc Ninh): Tiếp nhận các sản phẩm thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi.

Trong trường hợp tổ chức, cá nhân sản xuất nhiều loại thực phẩm thuộc thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm của cả Bộ Y tế và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền do UBND cấp tỉnh chỉ định thì tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn nộp hồ sơ đến Bộ Y tế hoặc sản phẩm thuộc thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đăng ký của cơ quan nào thì nộp hồ sơ đăng ký đến cơ quan tiếp nhận đó.

Thứ tư: Các nhóm sản phẩm phải đăng ký nội dung trước khi quảng cáo

Một điểm mới trong Nghị định 15 là quy định một nhóm sản phẩm phải thực hiện đăng ký nội dung trước khi quảng cáo, cụ thể: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt. Đối với các sản phẩm không thuộc các nhóm trên không còn phải đăng phải ký nội dung trước khi quảng cáo (tuy nhiên phải đáp ứng các quy định của pháp luật liên quan đến quảng cáo). Ngoài ra còn quy định sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi không thuộc trường hợp cấm quảng cáo quy định tại Điều 7 của Luật Quảng cáo.

Thứ năm: Quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp trong truy xuất ngồn gốc đối với sản phẩm không đảm bảo an toàn

Với mục đích truy xuất nguồn gốc, kịp thời thu hồi các sản phẩm không đảm bảo an và xử lý theo quy định của pháp luật, Nghị định 15 quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm phải lưu trữ các thông tin liên quan đến nhà sản xuất, cung cấp sản phẩm và khách hàng trong trường hợp khách hàng đã mua sản phẩm đó thông qua hợp đồng, sổ sách ghi chép hoặc các phương thức khác để phục vụ việc truy xuất nguồn gốc. Các thông tin phục vụ truy xuất nguồn gốc bao gồm: Tên, chủng loại sản phẩm đã mua, đã bán; ngày, tháng, năm, số lượng, khối lượng, số lô, số mẻ của sản phẩm (nếu có) đã mua, bán.

Thứ sáu: Nguyên tắc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm

Ngoài một số điểm thay đổi nêu trên, Nghị định 15 quy định về nguyên tắc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, theo đó đã phân công rõ trách nhiệm quản lý của 3 Bộ gồm Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo hướng các Bộ quản lý theo nhóm ngành hàng từ đầu đến cuối. Trong đó quy định một số trường hợp cụ thể, như sau:

1. Đối với cơ sở sản xuất nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì cơ quan quản lý sản phẩm có sản lượng lớn nhất trong các sản phẩm của cơ sở sản xuất là cơ quan quản lý;

2. Đối với cơ sở không thực hiện công đoạn sản xuất nhưng kinh doanh nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên do ngành Công Thương quản lý, trừ trường hợp là chợ đầu mối, đấu giá nông sản;

3. Đối với cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh nhiều loại sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan quản lý chuyên ngành về an toàn thực phẩm để thực hiện các thủ tục hành chính.

Trên đây là một số điểm mới tại Nghị định 15 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu gặp khó khăn, vướng mắc đề nghị Quý doanh nghiệp liên hệ Ban Quản lý an toàn thực phẩm để được hướng dẫn cụ thể.

Phạm Hiếu