Tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm
Thời gian qua, công tác kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm đã được Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh tăng cường triển khai thực hiện nhằm kịp thời phát hiện sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn, các cơ sở có tồn tại vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Từ đó góp phần tăng cường bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm.
Kiểm tra, hậu kiểm về ATTP trên địa bàn TP. Bắc Ninh
Hoạt động kiểm tra, hậu kiểm đã được đẩy mạnh và triển khai đồng bộ từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã. Chất lượng các cuộc kiểm tra, hậu kiểm ngày càng cao, công tác hậu kiểm các sản phẩm do các cơ sở công bố và tự công bố được triển khai kịp thời và đúng quy định của pháp luật. Bám sát kế hoạch triển khai công tác hậu kiểm của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, Ban Quản lý ATTP tỉnh đã tham mưu Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện công tác kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm của tỉnh. Trên cơ sở đó, Ban cũng xây dựng Kế hoạch và triển khai công tác kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung kiểm tra, hậu kiểm nhóm sản phẩm, sản phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, sản phẩm nhập khẩu thuộc diện miễn kiểm tra và kiểm soát an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Kết hợp kiểm tra, hậu kiểm hồ sơ và lấy mẫu kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ hồ sơ tự công bố sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm, phiếu kết quả kiểm nghiệm, ghi nhãn, quảng cáo và chỉ tiêu an toàn cơ sở tự công bố hoặc đăng ký bản công bố sản phẩm. Hoạt động hậu kiểm được Ban Quản lý thực hiện thường xuyên theo tháng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của pháp luật. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Ban tiến hành lấy 43 mẫu sản phẩm thực phẩm để thực hiện kiểm nghiệm sau công bố và tự công bố. Kết quả: 43 mẫu đạt (đạt 100%).
Công tác kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm luôn được chú trọng, triển khai thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, vào các dịp cao điểm trong năm như: Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân, ... Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm các cấp đã xây dựng, triển khai kế hoạch và thành lập các đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Căn cứ kế hoạch đã được phê duyệt, Ban tích cực chủ động triển khai hoạt động kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, đột xuất đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, phụ gia thực phẩm... Tính đến thời điểm hiện tại, Ban tiến hành kiểm tra được: 4.184 cơ sở, trong đó 115 cơ sở thuộc lĩnh vực Công thương. Số cơ sở đạt 87 cơ sở, nhắc nhở 23 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 05 cơ sở, với số tiền phạt 32,5 triệu đồng. Hành vi vi phạm chủ yếu: buôn bán sản phẩm thực phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm nhưng không có hồ sơ tự công bố theo quy định; Không phân loại, bảo quản riêng biệt thành phẩm hoặc bán thành phẩm bị hỏng, hết hạn sử dụng với các sản phẩm phục vụ để kinh doanh; Khu vực kho bảo quản không đầy đủ giá kệ, biển tên, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh; Sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không mang đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định trong khu vực sản xuất thực phẩm...
Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP tỉnh kiểm tra tại cơ sở
Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh cũng thường xuyên phối hợp với Sở Công Thương, Cục quản lý thị trường Bắc Ninh, Công an tỉnh (thành viên Ban chỉ đạo 389 tỉnh) thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Phối hợp giám sát hoạt động bán hàng đa cấp theo thông báo của các doanh nghiệp, đặc biệt kiểm soát các thông tin tại các hội nghị bán hàng đa cấp, quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, tăng cường vi chất dinh dưỡng như giấy chứng nhận ATTP, công bố tiêu chuẩn, hợp quy… Thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng theo dõi, giám sát hoạt động của các sàn thương mại điện tử, website bán hàng có chủ sở hữu trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung giám sát việc thực hiện các quy định của thương nhân bán hàng trên các gian hàng như: giấy chứng nhận ATTP, xuất xứ hàng hoá, tem nhãn và nội dung quảng cáo… kịp thời xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Qua công tác kiểm tra, hậu kiểm đã tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP ở các cấp; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới. Thông qua kiểm tra, hậu kiểm, cũng đánh giá được việc chấp hành pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm... Từ đó hướng dẫn các cơ thực hiện đảm bảo ATTP đúng theo quy định của pháp luật và có những định hướng giải pháp quản lý trong giai đoạn tới./.