UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 10/2021
Sáng 25/10, UBND tỉnh họp phiên thường kỳ tháng 10/2021. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang chủ trì phiên họp.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.
Dự phiên họp có đồng chí Trần Thị Hằng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, thành viên UBND tỉnh, các ban, ngành của tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố.
Phát biểu chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành và địa phương tập trung hoàn thành các báo cáo năm 2021, trình UBND tỉnh tại phiên họp tháng 11/2021, chuẩn bị các nội dung trình tại kỳ họp HĐND tỉnh tháng 12/2021. Tổ chức thi công công trình, giải ngân hoàn thành kế hoạch giao từ nay đến cuối năm; yêu cầu tất cả các chủ đầu tư, các sở ngành có liên quan, trước khi trình chủ trương đầu tư thực hiện dự án phải thực hiện kỹ lưỡng, chặt chẽ bước khảo sát thiết kế xây dựng, chuẩn bị đầu tư.
Toàn cảnh phiên họp.
Rà soát, báo cáo tình hình cụm công nghiệp, đề xuất giải pháp tăng cường quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu, tham mưu tiếp tục triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển nhà cung ứng trong 02 tháng cuối năm 2021. Tăng cường công tác quản lý, xử lý ô nhiễm môi trường; trong đó, thường xuyên theo dõi tiến độ thực hiện các dự án Nhà máy xử lý rác thải phát năng lượng. Thực hiện nghiêm túc công tác trực ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 đúng theo quy định. Trên cơ sở định hướng điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2035-2050, rà soát, tham mưu đề xuất việc quy hoạch phân khu các khu đô thị lớn làm cơ sở thu hút, triển khai lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.
Rà soát các điều kiện đăng cai tổ chức các giải thể thao quốc gia, quốc tế năm 2022, đảm bảo phù hợp với tình hình công tác phòng, chống dịch Covid-19. Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ dạy và học, phát triển giáo dục trong bối cảnh dịch Covid-19; Tham mưu tổ chức tuyên dương khen thưởng học sinh giỏi quốc gia năm học 2020-2021 và trao khen thưởng Quỹ Khuyến học, Khuyến tài Phạm Văn Trà năm 2021 đảm bảo phù hợp với tình hình công tác phòng dịch trên địa bàn. Tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm nói chung, nhất là an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể trong các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn phát biểu tại phiên họp.
Theo báo cáo của Sở Y tế, từ ngày 4/10 đến 6h ngày 25/10, toàn tỉnh ghi nhận 80 ca mắc Covid-19 mới; rà soát, truy vết được gần 100 F1. Đến nay, toàn tỉnh đã tiêm 1.483.830 liều vắc xin phòng Covid-19 cho 1.007.621 người, trong đó có 476.209 người đã tiêm đủ 2 mũi; tỷ lệ người từ đủ 18 tuổi trở lên tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin đạt 79%.
Về đánh giá cấp độ dịch, có 2 xã, thị trấn ở cấp độ 4; 11 xã, phường ở cấp độ 2; 113 xã/phường/thị trấn ở cấp độ 1. Huyện Thuận Thành ở cấp độ 1; các huyện, thị xã, thành phố còn lại đều ở cấp độ 2.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế và các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thực hiện các biện pháp phòng, chống, dịch bệnh Covid-19; triển khai thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Hướng dẫn của tỉnh về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, bảo đảm môi trường an toàn, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục tuyên truyền vận động người dân đi tiêm vắc xin.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, bên cạnh việc phòng, chống dịch Covid-19 cần quan tâm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đối với các bệnh khác như sốt xuất huyết, bạch hầu, sởi, chân tay miệng… đảm bảo không để dịch chồng dịch trên địa bàn tỉnh.
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Tâm.
Theo dự thảo Đề án Ứng dụng phát triển kỹ thuật cao ngành Y tế Bắc Ninh giai đoạn 2022 – 2026, ngành Y tế sẽ triển khai 16 nhóm kỹ thuật cao tại đơn vị hạng I, giúp người dân được phòng bệnh, khám chữa bệnh chất lượng cao tương đương một số tỉnh và tuyến Trung ương ngay tại tỉnh Bắc Ninh. Phấn đấu, giảm 60% bệnh nhân chuyển tuyến để điều trị các bệnh lý tim mạch vào năm 2023 và 90% vào năm 2026 so với trước khi thực hiện đề án (năm 2021); giảm 30% bệnh nhân chuyển tuyến điều trị bằng Iod 131 năm 2022 và 90% bệnh nhân chuyển tuyến vào năm 2023; đến năm 2024 sẽ triển khai ca ghép thận đầu tiên trên địa bàn tỉnh; 100% bệnh nhân có chỉ định xạ trị kỹ thuật cao như u não, toàn não tủy, u dây thần kinh… sẽ được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ năm 2025...
Kết luận nội dung trên, nhấn mạnh sự cần thiết của Đề án, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, bên cạnh phát triển kinh tế, tỉnh Bắc Ninh luôn quan tâm đến các vấn đề về an sinh xã hội. Đề án được ban hành sẽ đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân, giảm khó khăn cho bệnh nhân và giảm tải cho bệnh viện tuyến Trung ương. Cơ bản thống nhất với nội dung Đề án, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện nội dung, trình cấp có thẩm quyền. Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, để thực hiện hiệu quả Đề án thì vấn đề quan trọng nhất là chất lượng nguồn nhân lực, vì vậy cần có chính sách thu hút phù hợp để thu hút đội ngũ y tế chất lượng cao.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đình Xuân.
Báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến ngày 22/10, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 73,29%. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước tỉnh giải ngân đạt 73,94%, vốn ngân sách huyện, xã đạt tỷ lệ 80,09%. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải ngân; rà soát các dự án giải ngân chậm và yêu cầu giải trình, báo cáo trước ngày 29/10.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã công nhận được 5 làng nghề truyền thống: Làng nghề mây tre đan Xuân Hội; tre trúc Xuân Lai; đồ gỗ Khúc Xuyên; gốm Phù Lãng (thôn Phù Lãng và thôn Thủ Công, xã Phù Lãng). Đến nay, còn 60 làng nghề và 32 thôn, khu phố có nghề truyền thống chưa được công nhận. Hoạt động làng nghề đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, tuy nhiên cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ô nhiễm môi trường nông thôn, do cơ sở sản xuất kinh doanh, thiết bị máy móc cũ, lạc hậu...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đặng Trần Trung.
Theo Đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề, nghề truyền thống tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021 – 2030” được thông qua tại phiên họp, đến năm 2025, sẽ có thêm 8 nghề truyền thống, 7 làng nghề và 12 làng nghề truyền thống được UBND tỉnh cấp bằng công nhận; có 40 sản phẩm làng nghề được đánh giá và xếp hạng sản phẩm Chương trình OCOP; đăng ký chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa và xây dựng, quản lý, quảng bá thương hiệu cho 5 làng nghề; xây dựng một số nhà trưng bày, cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm của các làng nghề tại các điểm du lịch của tỉnh... Qua đó nhằm bảo tồn và phát triển làng nghề, phát huy các giá trị truyền thống của làng nghề tỉnh Bắc Ninh, thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn bền vững, bảo vệ môi trường.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hoàn thiện nội dung Đề án trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến.
Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh Nguyễn Vinh Thanh.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 104 chợ phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt đang hoạt động kinh doanh thực phẩm, trong đó có 03 mô hình chợ thí điểm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (chợ Thứa, chợ TT Gia Bình, chợ TT Phố Mới). Nguồn hàng cung ứng cho các tiểu thương kinh doanh tại chợ phần lớn do nông dân sản xuất trực tiếp mang hàng đến chợ bán (57,55%) và hầu hết không có chứng từ, sổ ghi chép chứng minh nguồn gốc hàng hóa, nhất là mặt hàng thịt gia súc, gia cầm; hàng thuỷ, hải sản; rau, củ, quả… Theo Đề án “Kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh” được thông qua tại phiên họp, tỉnh sẽ xây dựng và ban hành Bộ tiêu chí chợ kiểm soát nguồn gốc thực phẩm; hoàn thiện phần mềm quản lý cơ sở, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, sổ theo dõi, lưu trữ nguồn gốc điện tử cho các tiểu thương kinh doanh thực phẩm tại chợ; cấp phát biển hiệu có gắn mã QR và thẻ tên khai báo nguồn gốc tại các chợ phục vụ truy xuất thông tin kiểm soát an toàn thực phẩm; Hình thành điểm kiểm soát an toàn thực phẩm (ký cam kết, khai báo nguồn gốc và test nhanh an toàn thực phẩm) tại các chợ trên địa bàn tỉnh; Thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của người dân về vi phạm an toàn thực phẩm tại các chợ; chuyển giao, hướng dẫn áp dụng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như VietGap, GMP, HACCP... Tăng cường xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Hỗ trợ liên kết tiêu thụ các sản phẩm sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm...
Phiên họp cũng thảo luận, thông qua các nội dung về: Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2022; Quy định giá sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi năm 2021; Quy định trình tự thực hiện các dự án đầu tư xây dựng không sử dụng vốn nhà nước; Đề án rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục Mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030...
Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng khen cho các cá nhân.
Cũng tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang đã trao Bằng khen cho ông Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đã có công trình sáng tạo khoa học xuất sắc tiêu biểu thuộc lĩnh vực xã hội và nhân văn năm 2021; sinh viên Hà Minh Như, lớp Cao đẳng 47, Máy lạnh 2, Trường Cao đẳng và Xây dựng Bắc Ninh đạt danh hiệu “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ 12, năm 2021; bà Nguyễn Thị Thư, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Bình Định, huyện Lương Tài và bà Nguyễn Thị Bắc, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh có thành tích tiêu biểu trong thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng trao Bằng khen cho các ông: Nguyễn Văn Đỉnh, hội viên nông dân thôn Chi Long, xã Long Châu, huyện Yên Phong; Lê Xuân Ảnh, hội viên nông dân thôn Liễn Hạ, xã Đại Xuân, huyện Quế Võ; Nguyễn Hữu Xá, hội viên nông dân thôn Yên Ngô, xã An Bình, huyện Thuận Thành có thành tích tiêu biểu trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”./.