Đảm bảo đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 an toàn, vui tươi, lành mạnh
Đây là một trong những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại phiên họp thường kỳ tháng 12/2022 của UBND tỉnh diễn ra sáng nay (14/12).
Toàn cảnh phiên họp thường kỳ.
Tham dự phiên họp có các đồng chí: Ngô Văn Liên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Trần Thị Vân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, thành viên UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số Sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố.
Điểm lại những kết quả nổi bật trong năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang cho biết, mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, hậu quả của đại dịch COVID-19 dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong nước áp lực lạm phát tăng cao… Song bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt của Tỉnh uỷ - HĐND - UBND tỉnh cùng với sự nỗ lực, cố gắng vượt bậc của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh Bắc Ninh đã kịp thời ứng phó, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tập trung thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế, chú trọng phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ triển khai các hoạt động chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đảm bảo an toàn, vui tươi, lành mạnh. Đồng thời, thực hiện tốt chủ đề công tác năm 2023 là: “Đẩy mạnh xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; Nâng cao đạo đức công vụ; Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị và văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.”
Trong đó, tập trung hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045. Thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn, có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý tốt các nguồn thu, khai thác hiệu quả các dư địa thu ngân sách, chi ngân sách đảm bảo đúng quy định.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn phát biểu tại phiên họp.
Đẩy mạnh, đa dạng hóa và đổi mới các hoạt động xúc tiến đầu tư; tập trung thu hút và phát triển mạnh công nghiệp theo chiều sâu, công nghiệp công nghệ cao; đẩy nhanh việc thực hiện đầu tư xây dựng các khu đô thị, du lịch, sinh thái, văn hóa, tâm linh, nghỉ dưỡng, các trường đại học trên địa bàn tỉnh. Mở rộng, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế, tranh thủ tối đa nguồn lực từ bên ngoài phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cùng với đó, tập trung xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển toàn diện, bền vững; tiếp tục thực hiện hiệu quả và đúng lộ trình Đề án tổng thể Bảo vệ môi trường; quan tâm phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; đổi mới căn bản, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng phát biểu tại phiên họp.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao chất lượng xây dựng và hoạt động của các cấp chính quyền; tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Đối với UBND các huyện, thành phố tích cực phối hợp, thực hiện tốt các các nhiệm vụ, giải pháp trên địa bàn, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của địa phương.
Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Trọng Tân báo cáo tại phiên họp.
Phiên họp xem xét, cho ý kiến về nội dung Tờ trình ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 12/2020/QĐ-UBND ngày 22/6/2020 của UBND tỉnh Bắc Ninh, giao số lượng và bố trí cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Theo đó, đối với xã, phường, thị trấn loại I sẽ tăng thêm 01 công chức Địa chính - Xây dựng - Đô thị và Môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường (đối với xã) và giảm 01 công chức Tài chính - Kế toán. Đối với phường loại II, tăng 01 Phó Chủ tịch UBND và giảm 01 công chức Tư pháp - Hộ tịch; đối với xã, thị trấn loại II, tăng 01 Phó Chủ tịch UBND và giảm 01 công chức Văn phòng - Thống kê.
Nhất trí với nội dung Tờ trình, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Quyết định thay thế nhằm đáp ứng quy định mới của Chính phủ và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; giao Sở Nội vụ tiếp thu các ý kiến, rà soát lại căn cứ pháp lý hoàn thiện Quyết định.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đình Xuân báo cáo tại phiên họp.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 07/12, toàn tỉnh giải ngân đạt 59% so với Kế hoạch vốn Chính phủ giao; đạt 41% so với Kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao và đạt 44% so với Kế hoạch vốn UBND tỉnh giao cho UBND cấp huyện và phân bổ chi tiết cho chủ đầu tư các dự án cấp tỉnh quản lý năm 2022; số vốn giải ngân so với số vốn 03 cấp tỉnh - huyện - xã phân bổ chi tiết đến từng dự án năm 2022 đạt 59,2%.
Trên cơ sở ý kiến của các Sở, ngành chức năng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, chủ đầu tư tăng cường kiểm tra hiện trường để chấn chỉnh ngay các tồn tại; người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, phân công lãnh đạo phụ trách từng dự án. Đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, nghiệm thu khối lượng hoàn thành; thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo đúng quy định ngay khi có khối lượng. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công, tiến độ giải ngân kế hoạch vốn.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vũ Huy Phương phát biểu tại phiên họp.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nội vụ nghiên cứu, gắn công tác thi đua, khen thưởng với hoạt động giải ngân vốn đầu tư công; Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các Sở, ngành, địa phương làm sớm công tác chuẩn bị đầu tư, hạn chế việc điều chỉnh, bổ sung dự án.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng thống nhất nội dung Chương trình bình ổn giá cả một số mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh dịp Tết Nguyên đán Qúy Mão năm 2023. Đây là Chương trình nhằm góp phần đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu của nhân dân về các mặt hàng thiết yếu dịp Tết, đồng thời, tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Giám đốc Sở Công thương Trần Ngọc Thực báo cáo tại phiên họp.
Theo đó, Chương trình bình ổn giá dự kiến thực hiện ở 5 nhóm hàng hóa thiết yếu gồm: thịt lợn, trứng - thịt gia cầm các loại, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo các loại. Thời gian thực hiện đến tháng 6/2023, ngân sách Nhà nước tạm ứng hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia Chương trình là 60 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện nội dung Chương trình để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định.
Phiên họp cũng xem xét và cho ý kiến vào các nội dung: Đánh giá cơ quan, đơn vị trong sạch, vững mạnh năm 2022; đánh giá tình hình thực hiện chương trình làm việc năm 2022; Quy chế tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị trên ứng dụng Phản ánh kiến nghị tỉnh Bắc Ninh; tiêu chuẩn, thủ tục, hồ sơ xét công nhận thợ giỏi, nghệ nhân, tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh; tiêu chí thôn nông thôn mới kiểu mẫu và các Bộ tiêu chí nông thôn mới cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2022 - 2025…