Phát huy vai trò của nông dân trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn

16/06/2022 07:52 View Count: 356

Hội viên nông dân là những người trực tiếp tham gia sản xuất thực phẩm, nông sản, do đó, việc nâng cao nhận thức, trách nhiệm của họ trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm thủy sản an toàn có vai trò quan trọng; góp phần đem đến cho người tiêu dùng nguồn thực phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn.


 

Tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp an toàn

Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của nông dân trong sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, Hội nông dân các cấp trong tỉnh tích cực tuyên truyền, vận động hội viên đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất; chú trọng đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, phát triển chăn nuôi, trồng trọt theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Phát động hội viên thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Vì môi trường sạch, vì sức khỏe cộng đồng nông dân sản xuất, chế biến, tiêu dùng và bán ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp an toàn”; xây dựng chuyên mục về “Sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng” trên Website, bản tin của Hội. Theo đó, thời gian qua, Hội đã phối hợp tổ chức 02 hội thi “Nông dân Bắc Ninh với an toàn thực phẩm”; tổ chức 199 hội nghị phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, sản xuất theo chuỗi cho 37.710 cán bộ, hội viên. Đưa nội dung tuyên truyền về an toàn thực phẩm, ký cam kết “Nói không với thực phẩm bẩn” vào nội dung sinh hoạt của 672 chi hội và 433 câu lạc bộ “Gia đình nông dân văn hóa”, “Gia đình nông dân hạnh phúc”, “Gia đình nông dân phát triển bền vững”… Ngoài ra, hàng năm chỉ đạo 100% các cơ sở Hội ký cam kết giữa hội nông dân cơ sở với hội nông dân các huyện, thành phố; giữa hội nông dân cơ sở với các chi hội và các hộ hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản…Theo đó, đã có 8/8 Hội nông dân huyện, thành phố; 121 cơ sở, 672 chi hội với 376.020 lượt cán bộ, hội viên; 842 hợp tác xã, 755 doanh nghiệp ký cam kết “Nói không với thực phẩm bẩn” với các cấp Hội nông dân..


 

Tuyên truyền, vận động nông dân mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn

Để giúp nông dân có điều kiện mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn, các cấp Hội nông dân trong tỉnh cũng chú trọng đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; tăng cường các hoạt động quảng bá sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản...Từ năm 2016 đến nay, các cấp hội đã phối hợp tổ chức được 4.209 lớp tập huấn cho 333.097 lượt hội viên tham gia; tổ chức 317 cuộc hội thảo đầu bờ về cây con, giống cho 21.448 lượt hội viên, nông dân. Ngoài ra, cũng xây dựng, triển khai thực hiện đề án về hỗ trợ nông dân sử dụng chế phẩm sinh học trong trồng rau màu và chăn nuôi lợn, gia cầm để sản xuất thực phẩm an toàn, cải tạo môi trường; triển khai dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong xây dựng mô hình liên kết sản xuất với tiêu thụ rau an toàn theo hướng VietGap...Đồng thời, cũng phối hợp tổ chức cho nông dân thăm quan các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, mô hình kinh tế trang trại trong và ngoài tỉnh.. Qua đó, giúp nông dân nâng cao kiến thức, tích cực ứng dụng hiệu quả tiến bộ KHKT vào sản xuất; xây dựng được nhiều mô hình điểm mang lại hiệu quả cao như: mô hình trồng măng tây xanh tại Gia Bình, Thuận Thành; trồng khoai tây thương phẩm tại Quế Võ; chế biến, tiêu thụ nông sản tại Minh Tân (Lương Tài); ứng dụng chế phẩm phân bón hữu cơ vi sinh EMZ để sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap tại Tiên Du….

Trước thực trạng nông sản thực phẩm được sản xuất, kinh doanh theo mô hình đảm bảo an toàn chưa nhiều; số lượng các hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ lớn; một số nơi vẫn còn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh, sử dụng chất cấm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm; Hội nông dân các cấp trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nông dân trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn; phối hợp tổ chức các buổi tập huấn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi; sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; tổ chức cho hội viên, nông dân đăng ký, cam kết, thực hiện sản xuất, kinh doanh bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm an toàn. Tiếp tục lồng ghép nội dung đảm bảo an toàn thực phẩm vào các cuộc vận động, các phong trào thi đua do các cấp hội nông dân phát động, xem đây là tiêu chí bình xét, công nhận hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp và đánh giá thi đua xếp loại đơn vị hàng năm. Chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình nông nghiệp, thủy hải sản an toàn; quảng bá, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản an toàn. Tiếp tục phối hợp tham gia giám sát việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm ở nông thôn. Kịp thời phát hiện, tuyên truyền các điển hình tiên tiến, mô hình tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn

Phượng Duyên