Phòng tránh ngộ độc thực phẩm: Cần tăng cường quản lý ở mọi cấp độ

03/11/2023 09:46 View Count: 627

Tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp trên cả nước, và sự ra đời của Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh là quyết định mang tính đột phá.

Nỗi lo an toàn thực phẩm

Vừa qua, người dân cả nước tiếp tục không khỏi lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm khi có 144 người bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì mua tại hộ kinh doanh bánh mì Phượng (TP Hội An, Quảng Nam).


Du khách xếp hàng dài để được thưởng thức món bánh mì Phượng. Ảnh: Bánh mì Phượng

Hay trước đó, tại TP Hồ Chí Minh, nhiều người dân bị ngộ độc do ăn bánh mì kẹp chả lụa gây ngộ độc botulinum, trong đó 2 người ngộ độc rất nặng, phải nhập viện cấp cứu.

Mới đây, tại TP Hà Nội, đoàn kiểm tra của Sở Y tế phát hiện nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm tại môt số khách sạn 5 sao. Trong khu vực bếp của khách sạn, giá kệ cũ, có chỗ hoen gỉ, bám bụi bẩn, tủ đông không đủ nhiệt độ lạnh bảo quản thực phẩm... Thậm chí, đoàn kiểm tra còn phát hiện một số thực phẩm đưa vào chế biến như: xúc xích, ngan, ngỗng, thịt, cá… đã hết hạn sử dụng.

Theo Bộ Y tế, năm 2022, cả nước xảy ra 54 vụ ngộ độc thực phẩm làm 1.359 người mắc, trong đó 18 người tử vong. Còn trong 7 tháng năm 2023, cả nước xảy ra 60 vụ ngộ độc thực phẩm với 860 người mắc, trong đó có 12 người tử vong.

Nỗi lo thực phẩm không chỉ diễn ra ở các bếp ăn, cơ sở chế biến, nhà hàng, khách sạn mà nạn kinh doanh, buôn bán vận chuyển thực phẩm bẩn, thực phẩm mất an toàn vẫn thường xuyên xảy ra.

Vừa qua, tại TP Hà Nội, lực lượng chức năng đã phát hiện, tạm giữ tại địa điểm kinh doanh trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm tổng số 533kg thực phẩm đông lạnh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ…


Lực lượng chức năng ngăn chặn và tiêu hủy kịp thời gần 4 tấn thực phẩm không đảm bảo chất lượng trên địa bàn TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên vào rạng sáng 8/3/2023.

Trước đó, lực lượng chức năng cũng phát hiện bên trong xe tải biển kiểm soát Lào Cai chứa 20 thùng carton có 900 gói xúc xích và 5.400 gói cánh gà ăn liền, bên ngoài in chữ nước ngoài, được đối tượng thu mua trôi nổi trên thị trường, sau đó, thuê xe tải, vận chuyển về Hà Nội để bán lẻ cho các cửa hàng kinh doanh đồ ăn vặt tại các khu vực trường học, có đông học sinh sinh viên.

Tại Sơn La, lực lượng quản lý thị trường phát hiện một phương tiện vận chuyển 300 kg nội tạng động vật; hay lực lượng quản lý thị trường Quảng Ninh phát hiện 2 tạ mỡ động vật bốc mùi được vận chuyển trên xe khách chuẩn bị tuồn ra tiêu thụ ngoài thị trường.

Những số liệu trên có lẽ chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm.

Hệ luỵ không nhỏ

Theo Bộ Y tế thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 ca mới liên quan đến an toàn thực phẩm và hàng ngàn ca tử vong. Trong đó, có nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm thiếu an toàn và không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Có thể thấy, hệ luỵ từ việc sử dụng thực phẩm mất toàn là rất lớn. Thiệt hại kinh tế trực tiếp cho người sử dụng mà còn cho nhà nước xã hội với hàng chục nghìn tỉ đồng phải chi trả cho việc khám, điều trị, xét nghiệm, chữa bệnh. Đặc biệt, “thực phẩm bẩn” còn là tác nhân dẫn đến suy giảm sức lao động, ảnh hưởng tới thế hệ trẻ em...và nhiều vấn đề khác.

Nếu nhìn ở góc độ rộng hơn, việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm dẫn đến ngộ độc còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế du lịch, hình ảnh của đất nước. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút khách du lịch và phát triển kinh tế đêm.

Thống kê 8 tháng, khách quốc tế đến cả nước đạt hơn 7,8 triệu lượt, gấp 5,4 lần cùng kỳ năm trước. Tại các tỉnh, thành phố lớn, lượt khách đến rất khả quan, 8 tháng qua, Hà Nội đã đón được 16,9 triệu lượt khách du lịch, trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 2,79 triệu lượt khách, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 61,6 nghìn tỷ đồng. Còn ngành du lịch TP Hồ Chí Minh đón gần 25 triệu lượt khách, trong đó có gần 3 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu du lịch đạt hơn 100.000 tỷ đồng,…

Hay ở lĩnh vực kinh tế đêm, hiện nhiều tỉnh, thành phố lớn trên cả nước đều đang tập trung các nguồn lực để phát triển kinh tế đêm, như tại TP Hà Nội, TP Đà Nẵng, TP Hội An (Quảng Nam), Khánh Hòa, TP Đà Lạt (Lâm Đồng), TP Hồ Chí Minh,…Lượng du khách đến tham quan, mua sắm, ăn uống là rất lớn. Nếu việc sử dụng thực phẩm không đảm bảo sẽ ảnh hưởng lớn đến chính người kinh doanh và địa phương đó.

Điều này đặt vấn đề cần tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm từ mọi cấp độ.


Du khách đổ về chợ đêm thành phố Đà Lạt

Cơ quan chức năng vẫn khuyến cáo người dân phải biết tự bảo vệ lấy mình bằng cách nâng cao kiến thức: “Hãy là người tiêu dùng khôn ngoan”. Nhưng thế nào là người tiêu dùng “khôn ngoan”? Từ thực tế cho thấy, thực phẩm chế biến sẵn và ẩm thực đường phố phục vụ nhịp sống ngày càng nhanh, nhất là ở các đô thị, giúp tiết kiệm thời gian cho người dân, điều này đặt người dân vào tình thế ‘phải tin tưởng’ những cơ sở kinh doanh đồ ăn.

Ngoài ra, người tiêu dùng chỉ có thể khôn ngoan khi nhận biết chất lượng ở một số mặt hàng chứ không thể nhận biết ở mọi mặt hàng. Có những mặt hàng dù người tiêu dùng có khôn ngoan cũng không thể nhận biết được chất lượng của chúng vì các đối tượng ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi hơn, chỉ có thể biết được khi các cơ quan chức năng vào cuộc, lên tiếng.


Người dân trải nghiệm lễ hội ẩm thực tại TP Nha Trang (Khánh Hòa) tháng 6/2023.

Hướng đi mới trong quản lý an toàn thực phẩm

Nhiều ý kiến cho rằng, việc TP Hồ Chí Minh tập trung lực lượng quản lý an toàn thực phẩm, thành lập Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh là bước đi tiên phong, cần thiết trước yêu cầu thực tiễn phải bảo đảm an toàn thực phẩm tại một đô thị lớn, không ngừng phát triển.

Mô hình thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh (viết tắt Ban Quản lý) kết hợp lực lượng từ 3 Sở (Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).


Xe loa diễu hành hưởng ứng "Tháng hành động an toàn thực phẩm" tại phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh vào năm 2022.

Thông qua kết quả đạt được sau quá trình thí điểm mô hình Ban quản lý từ năm 2017 đến nay, UBND TP Hồ Chí Minh nhận thấy đây là giai đoạn chín mùi để phát huy hiệu quả cao nhất trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho người dân sống và làm việc tại thành phố, tạo bước chuyển biến tích cực trong nhận thức cộng đồng.

Việc "nâng cấp" từ Ban quản lý lên sở chuyên ngành nhằm ngăn chặn, giải quyết dứt điểm, căn cơ tình trạng không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn, khắc phục những bất cập, rào cản trong phối hợp liên ngành.

Mô hình này là một bước đột phá trong tiến trình phát triển bền vững và đảm bảo an sinh xã hội, lấy mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân làm kim chỉ nam cho hành động; hoàn toàn phù hợp với chính sách của TP Hồ Chí Minh và tình hình thực tiễn của địa phương.

Với việc thành công tại TP Hồ Chí Minh sẽ là tiền đề để một số địa phương thực hiện, trước hết là các thành phố trực thuộc trung ương và về lâu dài là các địa phương trong cả nước để đảm bảo an toàn thực phẩm, mang sức khỏe đến cho mỗi gia đình, cộng đồng, xã hội…

Source: khcncongthuong.vn