An toàn thực phẩm – “An toàn” hay là “ngon”?

03/11/2023 09:32 View Count: 114

Trong đời sống hiện nay, có phải người tiêu dùng hiện đại đang đề cao thái quá yếu tố an toàn thực phẩm theo xu hướng coi trọng “an toàn” hơn là yếu tố “ngon”? Và có phải là “ngon” mới “an toàn”?

An toàn thực phẩm – “An toàn” hay là “ngon”?

An toàn thực phẩm bây giờ không chỉ là ngon mà còn là nhiều vấn đề liên quan. Thậm chí, có rất nhiều người cho rằng “an toàn” mới “ngon” và ngược lại. Vì vậy, càng ngày cộng đồng người tiêu dùng càng am hiểu những tiêu chuẩn quy định về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm khiến các nhà sản xuất phải tuân thủ khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam hiện nay có những nhóm tiêu chuẩn liên quan đến an toàn thực phẩm người tiêu dùng cần hiểu đúng để nhận biết hàng hóa an toàn. Các tiêu chuẩn này cùng với quy định và quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm là yếu tố cần thiết để đảm bảo thực phẩm an toàn tại tất cả các điểm dọc theo chuỗi cung ứng, cả trong nước và quốc tế.

Đó là các tiêu chuẩn quốc gia có đề cập giới hạn đối với các chỉ tiêu an toàn thực phẩm (kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, độc tố sinh học, vi sinh vật, phụ gia thực phẩm…) hoặc quy định, viện dẫn nội dung liên quan an toàn thực phẩm.

Cùng với đó, còn có các tiêu chuẩn quốc gia về hướng dẫn và quy phạm thực hành vệ sinh trong sản xuất, chế biến và sử dụng thực phẩm, các quy phạm nhằm giảm thiểu các mối nguy an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, còn có các tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp phân tích, kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm kể cả thực phẩm biến đổi gen, thực phẩm chiếu xạ… Cùng tìm hiểu một số tiêu chuẩn an toàn thực phẩm phổ biến nhất.

HACCP là gì?

Trên các sản phẩm thực phẩm, người tiêu dùng có thể nhận thấy các tiêu chuẩn được in trên bao bì như HACCP (Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát trọng yếu) hay ISO 22000 (Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm- Yêu cầu đối với các tổ chức trong chuỗi thực phẩm).

HACCP bắt nguồn từ Hoa Kỳ những năm 1960, đến năm 1969 được Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm Codex biện soạn thành tiêu chuẩn quốc tế. Phiên bản mới nhất của tiêu chuẩn này là phiên bản 2020, với tên gọi “Những nguyên tắc chung về vệ sinh thực phẩm”. Trên cơ sở HACCP của Codex, năm 2005 Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) biên soạn thành tiêu chuẩn ISO 22000.

Nếu như HACCP tập trung vào các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm thì ISO 22000 xem xét các quá trình sản xuất, kinh doanh và yêu cầu phân tích cơ cấu tổ chức của cơ sở sản xuất thực phẩm. Tính đến năm 2021, cả thế giới hiện có 36.000 giấy chứng nhận ISO 22000 đang có hiệu lực.

Theo chia sẻ của ông Lê Thành Hưng - Trưởng phòng Tiêu chuẩn chất lượng Nông nghiệp Thực phẩm - Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, thì ở nước ta, hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đang áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000 và HACCP. Điều này giúp cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm kiểm soát tốt các mối nguy về an toàn thực phẩm, từ đó mang lại lợi ích đối với cả người tiêu dùng cơ sở sản xuất và cơ quan quản lý.

FSS 22000 là gì?

Bên cạnh đó thì còn có tiêu chuẩn FSSC 22000 – Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm. Đây là một trong những tiêu chuẩn phát triển về sản xuất thực phẩm an toàn đầu tiên ở quy mô quốc tế. Tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế FSSC 22000 cung cấp một khuôn khổ cho việc quản lý hiệu quả trách nhiệm về chất lượng và an toàn thực phẩm. FSSC 22000 được thừa nhận là tương đương và có thể thay thế cho các tiêu chuẩn như BRC, IFS,… được công nhận trước đây của GFSI (Sáng kiến ​​An toàn Thực phẩm Toàn cầu)

Để áp dụng và đạt chứng nhận FSSC 22000, đầu tiên các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi sản xuất chế biến doanh nghiệp bạn phải đảm bảo thực hiện nghiêm ngặt ngay từ đầu. Không được bỏ qua bước phân tích nhận diện và kiểm soát mối nguy theo nguyên tắc HACCP. Đồng thời, doanh nghiệp cần phải đánh giá rủi ro và thiết lập chương trình phòng vệ thực phẩm để kiểm soát nhiễm bẩn cố ý do mục đích phá hoại.

GMP là gì?

Từ đầu tháng 07/2019, theo quy định, tất cả các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe bắt buộc đều phải đạt tiêu chuẩn GMP. Điều đó có nghĩa, sau mốc thời gian trên doanh nghiệp sẽ không được phép tiếp tục sản xuất nếu không được cấp chứng nhận GMP.

GMP – Tiêu chuẩn hướng dẫn thực hành sản xuất tốt. Tiêu chuẩn an toàn thực phẩm này tập trung áp dụng chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất chế biến các sản phẩm yêu cầu điều hiện vệ sinh cao như: thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dược phẩm, mỹ phẩm, thiết bị y tế. Ngoài ra, trong lĩnh vực thực phẩm, nhà hàng, khách sạn cũng rất thích hợp cho việc áp dụng tiêu chuẩn GMP.

BRC là gì?

Tiêu chuẩn BRC (British Retail Consortium) là tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm, được xây dựng và ban hành bởi Hiệp hội bán lẻ Anh Quốc. BRC cũng giống như hầu hết các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm phổ biến hiện nay. Doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn BRC với mục đích kiểm soát chất lượng và đảm bảo an toàn trong sản xuất, tạo ra các sản phẩm thực phẩm đạt chuẩn an toàn. Tiêu chuẩn đưa ra yêu cầu các doanh nghiệp phải có nghĩa vụ tuân thủ luật lệ và bảo vệ người tiêu dùng.

Giấy chứng nhận BRC được thừa nhận trên phạm vi toàn cầu. Đối tượng áp dụng BRC bao gồm: các cơ sở sản xuất, công ty, nhà máy thực hiện sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực thực phẩm nói chung (ví dụ: thủy sản, rau củ quả, nước uống, bia, rươu, dầu ăn,…). Và không áp dụng cho các hoạt động liên quan tới bán sỉ nhập khẩu, phân phối hay tồn trữ ngoài sự kiểm soát của tổ chức.

TCVN 5603:2023 là gì?

Gần đây nhất, vào tháng 4/2023, Bộ KH-CN đã ban hành Quyết định số 586/QĐ-BKHCN về việc công bố tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5603:2023 Nguyên tắc chung về vệ sinh thực phẩm. Đây là phiên bản thứ tư, được biên soạn trên cơ sở tiêu chuẩn Codex CXC (năm 2020) và thay thế TCVN 5603:2008.

TCVN vừa được công bố bổ sung một số nội dung như quy định về cam kết của lãnh đạo doanh nghiệp trong việc áp dụng HACCP, quy định về cải tiến liên tục, khiến tiêu chuẩn này tiến gần hơn với các tiêu chuẩn về hệ thống quản lý ISO. Bên cạnh đó, tiêu chuẩn này còn yêu cầu nâng cao ý thức về an toàn thực phẩm cho nhân viên tại cơ sở sản xuất thực phẩm. Ngoài ra, TCVN 5603:2023 cũng bổ sung yêu cầu về truy xuất nguồn gốc sản phẩm và quy định kiểm soát mối nguy về chất gây dị ứng….

Thời gian tới, nước ta sẽ tiếp tục xây dựng TCVN về an toàn thực phẩm theo hướng hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn của các thị trường xuất khẩu mục tiêu.

Có thể nói, trước vô số sản phẩm thực phẩm được bày bán trên thị trường, người tiêu dùng rất khó có đủ kiến thức và sự hiểu biết để mua được các sản phẩm phù hợp. Tuy nhiên, vì an toàn thực phẩm lại liên quan trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của mỗi con người, mỗi gia đình, nên người tiêu dùng buộc phải tìm hiểu và tự trang bị kiến thức cho mình. Chính vì vậy, truyền thông cần phải làm tốt hơn nữa vai trò cung cấp thông tin và định hướng tiêu dùng cho họ “chạy đúng đường”.

Source: tapchicongthuong.vn