Quản lý An toàn thực phẩm ở Singapore
Với bất kỳ quốc gia nào, dù các phương thức quản lý có thể khác nhau nhưng vấn đề ATTP luôn được ưu tiên hàng đầu. Bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân cũng như nền kinh tế - xã hội. Sau đây, là một vài nội dung về việc quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm ở Singapore.
Singapore là một trong những nước có tỷ lệ mắc các bệnh do thực phẩm thấp nhất; trong khi đó hơn 90% lương thực, thực phẩm của Singapore là được nhập khẩu. Lý do là Singapore tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm. Hệ thống an toàn thực phẩm ở Singapore được đảm bảo bởi 3 yếu tố: Phương pháp quản lý tiếp cận hệ thống từ nông trại đến bàn ăn; Đánh giá và quản lý nguy cơ dựa trên khoa học; Trách nhiệm an toàn thực phẩm chung (cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người tiêu dùng).
Việc nhập khẩu thực phẩm vào Singapore được kiểm soát chặt chẽ
Việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm… được chính phủ Singapore quản lý chặt chẽ và phải tuân theo Luật Kinh doanh Thực phẩm (Sales of Food Act) năm 2002 được sửa đổi thay thế một số điều vào 7/12/2017, Quy định về thực phẩm (Food Regulations), Quy định về môi trường, sức khỏe cộng đồng (An toàn thực phẩm) (Environmental Public Health Food Hygiene Regulations) … …Trước khi nhập khẩu thực phẩm, Singapore cũng có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ để giải quyết các rủi ro an toàn thực phẩm trong thực phẩm bằng các biện pháp như: kiểm định nguồn, giấy chứng nhận sức khỏe do cơ quan có thẩm quyền cấp, khai báo nguồn/nhà cung cấp theo nhà nhập khẩu; kiểm tra trước khi nhập khẩu. Chỉ các quốc gia, cơ sở và trang trại được SFA phê duyệt mới có thể xuất khẩu sang Singapore. Quy trình kiểm định thực phẩm Singapore được thực hiện qua các bước: Đánh giá quốc gia; đánh giá cơ sở/trang trại; xác minh hệ thống, quy trình và các tiêu chuẩn của cơ sở; nếu đạt yêu cầu, thực hiện đàm phán điều kiện nhập khẩu…
Cơ quan thực phẩm Singapore (Singapore Food Agency/SFA) trực thuộc Bộ Bền vững và Môi trường (Ministry of Sustainability and the Environment/ MSE); SFA có các cơ quan như: Thanh tra kiểm tra; các Labo xét nghiệm; cơ quan xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn…. Đây là nơi cấp phép cho các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm hoặc đóng gói với mục đích phân phối cho các nhà bán buôn và bán lẻ. Cơ quan này cũng quản lý các doanh nghiệp bán lẻ thực phẩm. Với tư cách là cơ quan quốc gia về an toàn thực phẩm ở Singapore, SFA đã thiết lập một hệ thống an toàn thực phẩm tích hợp một cách hiệu quả để đảm bảo rằng thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.
Tất cả các công ty Singapore muốn nhập khẩu, xuất khẩu hàng nông sản, thủy sản và sản phẩm thực phẩm được yêu cầu phải xin giấy phép có liên quan hoặc đăng ký với SFA. Cấp phép cho phép SFA đặt ra các yêu cầu đối với các nhà nhập khẩu để đảm bảo an toàn thực phẩm và để đình chỉ/thu hồi giấy phép của các nhà nhập khẩu vi phạm. Cấp phép thực hiện theo loại thực phẩm (ví dụ: giấy phép nhập khẩu thịt không thể được sử dụng cho các loại thực phẩm khác). Tất cả các nhà nhập khẩu phải được SFA cấp phép và mọi lô hàng nhập khẩu phải được kèm theo giấy phép nhập khẩu. Đối với các sản phẩm không tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm SFA, nếu sản phẩm vẫn bị giữ tại kho nhập khẩu, SFA sẽ từ chối lô hàng; đối với các sản phẩm đã có mặt trên thị trường, SFA có thể bắt đầu thu hồi sản phẩm để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng lưu ý là chính phủ Singapore có quy định rất chặt chẽ đối với từng loại mặt hàng nhập khẩu. Việc nhập khẩu các sản phẩm sữa và sản phẩm sữa, động vật tươi sống, thịt, cá được đánh giá là “rủi ro cao” và được kiểm soát chặt chẽ như yêu cầu cấp phép đối với nông trại nước ngoài, qua các quy trình kiểm tra, kiểm định. Việc nhập khẩu thịt, sản phẩm thịt, trứng tươi, sữa, động vật có vỏ như trai sò, hàu, vẹm, cua, tôm chỉ được phép từ các nguồn được phê duyệt bởi SFA. Cá, sản phẩm cá, trái cây và rau quả tươi, thực phẩm chế biến, gạo được nhập khẩu từ bất cứ quốc gia nào nhưng phải có giấy phép của SFA. Trái cây tươi và rau quả nhập khẩu không được chứa bất kỳ loại thuốc trừ sâu bị cấm, và mức độ dư lượng thuốc trừ sâu hoặc dư lượng hóa chất độc hại không vượt quá mức quy định tại Luật Kinh doanh Thực phẩm hoặc khuyến nghị của FAO/WHO. Sản phẩm thực phẩm chế biến được sản xuất tại một cơ sở dưới sự giám sát thích hợp của cơ quan thực phẩm có thẩm quyền của nước xuất khẩu hoặc có áp dụng một chương trình đảm bảo chất lượng được SFA chấp nhận, kèm theo những giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Tất cả các cơ sở thực phẩm đều được kiểm tra, giám sát thường xuyên. Thực phẩm sản xuất tại các cơ sở này cũng phải được phân tích trong phòng thí nghiệm để kiểm tra tuân thủ Quy định về thực phẩm. Tất cả các cơ sở thực phẩm được đánh giá và phân loại theo cấp độ: A, B, C và D theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Việc kiểm tra được thực hiện ở các nội dung: Điều kiện chung của cơ sở, vận hành kho chứa, các bước chuẩn bị thực phẩm, thiết bị chế biến thực phẩm được sử dụng, tình trạng dịch hại, phương tiện giao hàng; thực hành xử lý thực phẩm, vệ sinh cá nhân và thực hành xử lý thực phẩm, an toàn thực phẩm của người công nhân; điều kiện và thực hành lưu trữ thực phẩm, việc tuân thủ các quy định và tiêu chuẩn…
SFA sẽ đưa ra các hướng để áp đặt kiểm soát hành động để đình chỉ hoạt động của các doanh nghiệp thực phẩm để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, trong các trường hợp sau: Sản phẩm được kiểm tra là không tuân thủ, ví dụ dư lượng thuốc trừ sâu trong cây trồng; Môi trường của cơ sở được coi là không phù hợp hoặc không an toàn cho sản xuất thực phẩm, ví dụ. sâu bệnh nghiêm trọng; Nguy cơ lây rộng hơn nữa các đợt bùng phát bệnh do thực phẩm có liên quan đến cơ sở (theo khuyến nghị của Bộ Y tế). Đình chỉ theo PDS chỉ áp dụng cho các cơ sở bán lẻ khi kết quả tích lũy từ 12 điểm trừ trở lên trong khoảng thời gian 12 tháng; khi đó tất cả những người xử lý thực phẩm cần phải được đào tạo lại trong Khóa học an toàn thực phẩm (Cấp độ 1) trước khi tiếp tục công việc; tất cả các cán bộ vệ sinh thực phẩm (FHO) được yêu cầu được đào tạo lại trong Khóa kiểm tra vệ sinh thực phẩm và đồ uống WSQ.
Singapore đã áp dụng hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn HACCP (Hazard Analysis and Critical Control Points) như khung phân tích và quản lý rủi ro an toàn thực phẩm đối với công nghiệp chế biến thực phẩm và công nghiệp bán lẻ tại Singapore. Tất cả các đơn vị sản xuất và dịch vụ thực phẩm cần phải áp dụng hệ thống này. HACCP là hệ thống giúp nhận diện, đánh giá, và kiểm soát các mối nguy hiểm ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm thông qua việc phân tích và kiểm soát các mối nguy sinh học, hóa học, vật lý và các tác nhân dị ứng từ nguyên liệu thô, quá trình mua và xử lý nguyên liệu, đến quá trình sản xuất, phân phối và tiêu thụ thành phẩm...
SFA cũng hỗ trợ xây dựng kế hoạch HACCP cho các cơ sở sản xuất và cung cấp dịch vụ thực phẩm ở địa phương được lựa chọn. Đồng thời thực hiện việc kiểm tra thực hiện HACCP với các cơ sở được lựa chọn và đề xuất các hành động khắc phục đối với các điểm kiểm soát trọng điểm đã được xác định.
Bên cạnh đó, Singapore cũng áp dụng quy tắc Thực hành nông nghiệp tốt trong canh tác rau (Good Agriculture Practice for vegetable farming/GAP-VF) để đảm bảo an toàn cho sản phẩm cây trồng và áp dụng Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt trong chăn nuôi cá (Good Aquaculture Practice for fish farming/GAP-FF) để đảm bảo chất thủy sản đầu vào… Đồng thời ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất.
Chính phủ Singapore cũng rất chú trọng đến công tác đào tạo, trang bị các kỹ năng cho người tham gia vào quá trình quản lý điều hành thực phẩm thông qua các khóa học cho các đối tượng như: người cung cấp thực phẩm & cơ sở được phép cung cấp thực phẩm; người xử lý thực phẩm và thực hành vệ sinh thực phẩm; cán bộ quản lý thực phẩm… Singapore cũng tăng cường năng lực an toàn thực phẩm thông qua chương trình công nhận phòng thí nghiệm (LRP) của SFA, thiết lập một mạng lưới các phòng thí nghiệm tư nhân địa phương được SFA công nhận để hỗ trợ các nhu cầu kiểm tra an toàn thực phẩm của ngành. Thông qua chương trình này, SFA sẽ giám sát năng lực của các phòng thí nghiệm được công nhận để đảm bảo chất lượng kết quả kiểm tra.
Có thể thấy, việc quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm được thực hiện một cách có hiệu quả tại Singapore. Với việc kiểm soát một cách chặt chẽ việc sản xuất, nhập khẩu, phân phối và tiêu thụ sản phẩm thực phẩm cùng với việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý thực phẩm đã tạo ra những thay đổi trong các nỗ lực tiêu chuẩn hóa theo hướng thúc đẩy tăng trưởng, tăng năng suất, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực và hỗ trợ các nhu cầu xã hội và đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường. Sự đổi mới, phát triển sản phẩm mới và áp dụng công nghệ mới cũng rất được quan tâm. Việc đào tạo các kỹ năng cho người làm việc trong ngành thực phẩm và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng được chú trọng đầu tư. Việc đảm bảo an toàn thực phẩm là trách nhiệm chung, là sự hợp tác của ngành công nghiệp, các nhà quản lý và người tiêu dùng Singapore. Việt Nam chúng ta cũng có thể học hỏi các kinh nghiệm trong quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm của Singapore. Các công ty sản xuất, chế biến thực phẩm của Việt Nam có thể tiếp cận cách quản lý, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế như HACCP trong quá trình sản xuất, trong chuỗi cung ứng để đáp ứng tốt các yêu cầu của nước nhập khẩu và thị trường quốc tế.