Thống nhất đầu mối, nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm
Thực tiễn 6 năm thí điểm thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh cho thấy, việc áp dụng mô hình một cơ quan cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm ở địa phương đã nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Đây có thể coi là một bước đột phá mới trong tiến trình phát triển bền vững và bảo đảm an sinh xã hội, phù hợp với chính sách của tỉnh và tình hình thực tiễn của địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang làm việc với Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh.
Cần thiết phải thống nhất một đầu mối trong quản lý an toàn thực phẩm
Bắc Ninh là tỉnh nằm trong vùng thủ đô Hà Nội, thuộc Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; là một trong những tỉnh có quy mô sản xuất công nghiệp đứng đầu cả nước với 16 khu công nghiệp và 23 cụm công nghiệp tập trung, thu hút hơn 2.000 doanh nghiệp FDI đến từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ với số công nhân lao động lớn khoảng hơn 400.000 người, trong đó có khoảng 16.000 người nước ngoài.
Bắc Ninh có mật độ dân số 1.809 người/km2, cao gấp hơn 5 lần mật độ dân số cả nước, cao thứ 3 cả nước sau Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời là cửa ngõ thủ đô Hà Nội - nơi cung cấp nguyên liệu thực phẩm cho Hà Nội; hằng ngày có lượng hàng hóa, thực phẩm lưu thông lớn trên thị trường với; có nhiều bếp ăn tập thể cung cấp hàng vạn suất ăn mỗi ngày cho công nhân trong các khu công nghiệp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn trao danh hiệu "Tập thể lao động xuất sắc" và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh.
Trong những năm qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và đã đạt được nhiều kết quả trên các lĩnh vực. Nhận thức của người dân, các doanh nghiệp về tầm quan trọng và trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng ngày một nâng lên.
Tuy nhiên, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh còn những tồn tại, hạn chế: Một sản phẩm, một cơ sở chịu sự quản lý của 2, 3 cơ quan khác nhau. Tình trạng vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm còn xảy ra ở một số khâu trong quá trình sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm thực phẩm. Vẫn còn hiện tượng lạm dụng sử dụng hóa chất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y trong trồng trọt, chăn nuôi. Việc sử dụng chất phụ gia và chất hỗ trợ chế biến chưa theo quy định. Còn tồn tại thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng trên thị trường. Đội ngũ cán bộ chuyên trách về an toàn thực phẩm các tuyến còn thiếu về số lượng, yếu về chuyên môn. Năng lực xét nghiệm, kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm còn hạn chế...
Những hạn chế, tồn tại nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Vì vậy, cần phải có một tổ chức thống nhất để quản lý có hiệu quả an toàn thực phẩm, nhằm bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vương Quốc Tuấn (đứng thứ 5 từ trái qua) cùng các đồng chí lãnh đạo dự khai trương tuyến phố an toàn thực phẩm tại thành phố Bắc Ninh.
Tháo gỡ chồng chéo trong quản lý an toàn thực phẩm
Ban Quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm thành lập từ ngày 23/01/2018 và kéo dài thời gian thí điểm hoạt động đến ngày 24/01/2024 trên cơ sở hợp nhất chức năng, nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm của 3 đơn vị: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Nguyễn Vinh Thanh cùng bộ phận chuyên môn thẩm định an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể ở KCN Yên Phong.
Ngay sau khi thành lập, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh đã tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh và Quy định phân công, phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh; trong đó quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường, Sở Y tế, UBND cấp huyện, cấp xã.
Trước đây, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm chỉ là một trong nhiều nhiệm vụ của 03 Sở, ngành nên đôi khi còn chưa được ưu tiên tập trung giải quyết. Mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh ra đời tập trung cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, được đầu tư về nguồn lực (kinh phí, con người,…) đã tạo ra sự thống nhất, đồng bộ, trách nhiệm, giảm chồng chéo, không bỏ sót cơ sở trong công tác quản lý; nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo Ban Quản lý ATTP tỉnh và Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn ký kết Quy chế phối hợp quản lý an toàn thực phẩm.
Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ký quy chế phối hợp; thống nhất giao Đội Thanh tra - Quản lý An toàn thực phẩm là đầu mối tham mưu giúp Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm và Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo, triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai các hoạt động chuyên môn về an toàn thực phẩm.
Việc thống nhất đầu mối quản lý, giúp cho việc triển khai các hoạt động chuyên môn được chủ động, toàn diện, đồng bộ, không chồng chéo và hiệu quả hơn từ khâu quản lý cấp phép, thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm dịch vụ ăn uống, cũng như giám sát mối nguy, đánh giá chất lượng, xác nhận chuỗi, truy xuất nguồn gốc thực phẩm; nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Công tác giải quyết thủ tục hành chính được Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh thực hiện tại Trung tâm Hành chính công tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố. Đến nay, có 08 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban (giảm 58% thủ tục so với thời điểm khi mới thành lập). 100% thủ tục hành chính được thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, 02 thủ tục thực hiện theo cơ chế “5 tại chỗ”. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 100%.
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra tại bếp ăn tập thể khu công nghiệp.
Hiệu quả mô hình thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh
Sau gần 6 năm mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh đi vào hoạt động thí điểm, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét; các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm được triển khai quyết liệt, đồng bộ, mang lại nhiều hiệu quả đột phá.
Công tác tuyên truyền được tổ chức đa dạng với nhiều hình thức và phù hợp với từng nhóm đối tượng. So với giai đoạn 2012 – 2017, số người được tập huấn, phổ biến kiến thức tăng gần 1,91 lần; số lượng băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, áp phích tuyên truyền tăng 2,3 lần.
Đội thanh tra, quản lý an toàn thực phẩm thành phố Bắc Ninh kiểm tra bếp ăn tại Trường Mầm non Kinh Bắc.
Công tác giám sát mối nguy ô nhiễm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và giám sát hậu kiểm được Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh chú trọng, triển khai thực hiện. Các mẫu giám sát mối nguy được triển khai toàn diện trên tất cả các nhóm thực phẩm, từ đó đưa ra kết quả đánh giá khách quan và toàn diện hơn giúp cho việc cảnh báo mối nguy, khuyến cáo tới người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm; do đó giúp giảm thiểu nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cũng như tác động ảnh hướng xấu đến sức khỏe người dân. Trong 6 năm 2018 – 2023, tiến hành lấy 58.426 mẫu thực phẩm; tăng gấp gần 2,8 lần so với giai đoạn 2012-2017. Đã tiến hành lấy 785 mẫu sản phẩm thực phẩm để thực hiện kiểm nghiệm sau công bố và tự công bố; giai đoạn trước năm 2018, các Sở, ngành quản lý an toàn thực phẩm không thực hiện công tác lấy mẫu hậu kiểm.
Đào tạo sử dụng test nhanh trong kiểm tra an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý tại các chợ trên địa bàn tỉnh.
Công tác xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cũng được Ban đẩy mạnh xây dựng tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đã hướng dẫn, giám sát và xác nhận 67 chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm an toàn cho các sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn trước năm 2018, chỉ xác nhận được 02 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh. Việc tập trung đầu mối thanh tra, kiểm tra về Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh nên được thống nhất và hiệu quả hơn; tạo thuận lợi cho người dân khi chỉ có một cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tiến hành thanh tra cơ sở với tần suất theo quy định. Trong 6 năm, đã tiến hành thanh, kiểm tra 15.759 lượt cơ sở; xử phạt 395 cơ sở với tổng số tiền hơn 2,6 tỷ đồng. So với giai đoạn 2012-2017, tỷ lệ cơ sở đạt tăng 8,1%; số tiền xử phạt tăng gấp gần 1,93 lần, số tiền phạt trung bình/cơ sở tăng gấp gần 3 lần.
Trong gần 6 năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 09 vụ ngộ độc thực phẩm (trong đó có 02 vụ trên 30 người mắc). Số vụ ngộ độc thực phẩm và số người mắc giảm gần 4 lần, số vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người mắc giảm 2,5 lần so với cùng kỳ giai đoạn trước. Trong 03 năm 2021, 2022, 2023 không có vụ ngộ độc trên 30 người mắc.
Các lực lượng tham gia diễu hành Tháng hành động vì an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, do đang ở giai đoạn thí điểm nên mô hình Ban Quản lý An toàn thực phẩm vẫn còn những bất cập, gặp nhiều hạn chế trong quyền hạn dẫn đến quá trình hoạt động chưa đạt được hiệu quả tối đa. Nguyên nhân là do mô hình thí điểm nên chức năng, nhiệm vụ không được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật gây khó khăn trong thực thi nhiệm vụ; một số quy định pháp luật chưa thể áp dụng; đặc biệt là các quy định về thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Ngày 21/10/2022, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh, an toàn thực phẩm, Chỉ thị đã nêu rõ nhiệm vụ: “Cần sớm kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm từ Trung ương tới địa phương. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Thực hiện phân cấp, phân quyền, đổi mới phương thức quản lý, điều hành, phối hợp, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; có chế độ, chính sách phù hợp cho đội ngũ này”.