Tiếp tục triển khai các biện pháp tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm
Xác định an toàn thực phẩm là vấn đề có tầm quan trọng đặc biệt, đóng góp to lớn trong việc cải thiện sức khỏe nhân dân, bảo đảm chất lượng cuộc sống, những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm luôn được Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh quan tâm, chú trọng triển khai với nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, phát huy được vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn.
Từ năm 2018 đến nay, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh được thành lập, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được thống nhất một đầu mối quản lý; tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở, doanh nghiệp trong quản lý và giải quyết thủ tục hành chính; lồng ghép các nguồn lực trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh đều chủ động tham mưu với Tỉnh ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện; tích cực, chủ động triển khai có hiệu quả các hoạt động truyền thông, công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, đột xuất; tăng cường công tác quản lý cơ sở, quản lý chất lượng sản phẩm; công tác giám sát, phòng ngừa, quản lý ngộ độc thực phẩm…Theo đó, hơn 4 năm qua, Ban Quản lý ATTP tỉnh phối hợp tổ chức 06 lớp tập huấn, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ cho khoảng 700 lượt người; 272 hội nghị tập huấn cho 60.000 lượt người; truyền thông qua 251.171 lượt tin nhắn di động, 174.152 lượt qua màn hình Led; qua mạng xã hội Zalo, facebook với khoảng 16.000.000 lượt theo dõi; thường xuyên tuyên truyền qua báo, đài, tờ rơi, áp phích, pano…Toàn tỉnh tiến hành tra, kiểm tra 11.785 lượt cơ sở; đã ban hành 388 Quyết định xử lý, xử phạt với tổng số tiền phạt là 2.485.938.000đ; chuyển sang cơ quan khác xử lý 25 cơ sở với tổng số tiền xử phạt 373.250.000đ. Thực hiện cấp 314 Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; 15 giấy xác nhận quảng cáo; tiếp nhận và đăng tải lên Cổng thông tin điện tử thành phần của Ban Quản lý 2.957 sản phẩm tự công bố. Tiến hành lấy 505 mẫu sản phẩm thực phẩm để thực hiện kiểm nghiệm sau công bố và tự công bố. Tiến hành xử lý, xử phạt đối với các cơ sở có mẫu hậu kiểm không đạt với tổng số tiền 210.995.000đ; ra Quyết định thu hồi và thông báo dừng lưu thông toàn quốc đối với 03 sản phẩm thực phẩm chức năng với tổng giá trị 113.346.000đ. Hướng dẫn, giám sát và xác nhận 49 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Hơn 4 năm qua, Ban Quản lý ATTP tỉnh cũng tiến hành lấy 53.140 mẫu thực phẩm kiểm nghiệm các chỉ tiêu về ATTP; thực hiện giám sát 1.156 lượt bếp ăn tập thể trường học có tổ chức ăn bán trú trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục đẩy mạnh, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, đảm bảo ATTP
Trong bối cảnh công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh xác định tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông, chú trọng truyền thông trên môi trường mạng với nội dung, hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng. Tăng cường quản lý chặt chẽ các cơ sở; triển khai hiệu quả phần mềm Hệ thống thông tin quản lý an toàn thực phẩm, thường xuyên cập nhật bổ sung thông tin cơ sở; quản lý tình trạng sản xuất kinh doanh và việc tuân thủ các quy định của pháp luật trên phần mềm, đảm bảo quản lý chặt chẽ và kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm, tiến tới bản đồ số các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh quản lý ATTP sang kiểm soát theo quá trình sản xuất, dựa trên phân tích nguy cơ ô nhiễm thực phẩm; tăng cường các hoạt động truy xuất nguồn gốc thực phẩm; phấn đấu 100% các loại sản phẩm thực phẩm có nhu cầu tiêu dùng lớn, các sản phẩm có nguy cơ ô nhiễm trong quá trình sản xuất kinh doanh được lấy mẫu kiểm nghiệm thường xuyên phát hiện các nguy cơ không an toàn thực phẩm; 100% các sản phẩm tự công bố, xác nhận đăng ký bản công bố sản phẩm được hậu kiểm hồ sơ và 50% sản phẩm/nhóm sản phẩm được hậu kiểm xét nghiệm xác định các chỉ tiêu an toàn.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Một trong những giải pháp tiếp tục được chú trọng đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; phối hợp hoạt động thanh tra, kiểm tra với hậu kiểm. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương ký cam kết đảm bảo ATTP đối với các cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện; phấn đấu 100% cơ sở thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP được thẩm định, cấp phép; ít nhất 80% cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện thực hiện ký cam kết đảm bảo ATTP, đặc biệt các cơ sở sơ chế, kinh doanh nhỏ lẻ. Từng bước thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn; đẩy mạnh hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; phối hợp xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn gắn với xây dựng các sản phẩm OCOP của tỉnh. Tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các bộ phận chuyên môn đáp ứng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Chú trọng củng cố bộ máy tổ chức, nhân lực làm công tác an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới./.