Yên Phong tăng cường quản lý, bảo đảm ATTP đối với các sản phẩm thực phẩm truyền thống, đặc trưng
Huyện Yên Phong là địa phương có nhiều sản phẩm truyền thống, đặc trưng được người tiêu dùng ưa chuộng, trong đó phải kể đến: Gạo nếp cái hoa vàng, bánh tẻ làng Chờ, Bánh đa nem Yên Phụ… Trước những yêu cầu của thực tiễn, thời gian qua, các cơ quan chức năng trên địa bàn triển khai nhiều biện pháp tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các sản phẩm thực phẩm truyền thống, đặc trưng của quê hương.
Cánh đồng lớn nuôi trồng nếp cái hoa vàng của HTX Đức Lân
Bánh tẻ làng Chờ có nguồn gốc từ Tổng Chờ ngày xưa, bắt nguồn từ việc người dân sản xuất chủ yếu để tiêu dùng trong nhà, đặc biệt vào các dịp Lễ, Tết. Từ sản phẩm chỉ dùng trong gia đình, làm quà cho khách vào các dịp Tết, hội hè, đình đám, bánh tẻ Chờ hiện được sản xuất hàng ngày, trở thành đặc sản, cung cấp cho thị trường, đáp ứng nhu cầu của thực khách.
Hiện nay, tại thị trấn Chờ có khoảng gần 50 hộ sản xuất bánh tẻ, chủ yếu là hộ nhỏ lẻ nhưng cơ bản bảo đảm điều kiện ATTP. Ngoài bí quyết gia truyền, người dân địa phương còn tích luỹ kinh nghiệm trong quá trình lựa chọn nguồn nguyên liệu cũng như các kỹ thuật sản xuất (làm bột, gói bánh; luộc bánh; bảo quản,…). Nhãn hiệu chứng nhận “Bánh tẻ làng Chờ - Yên Phong- Bắc Ninh” đã được bảo hộ tại Cục Sở hữu trí tuệ. Tại địa chỉ website banhtelangcho.com do Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Yên Phong làm chủ sở hữu trí tuệ chứng nhận, người dân có thể tìm hiểu kỹ hơn về bánh tẻ làng Chờ cũng như nhận diện thương hiệu.
Bà Nguyễn Thị Nhung, chủ cơ sở bánh tẻ Phi Nhung tại Thị trấn Chờ cho biết: “Bánh tẻ Phi Nhung có 3 địa điểm sản xuất, trung bình mỗi ngày sản xuất tổng số 2.000 chiếc/ ngày, cao điểm là các dịp Lễ, Tết có thể lên đến 10.000 chiếc do lượng khách đặt hàng nhiều. Bánh tẻ là đặc sản của làng Chờ, nhưng để bánh ngon, bảo đảm ATTP thì yếu tố đầu tiên là nguyên liệu cần phải tươi, sạch”.
Cũng là sản phẩm truyền thống, đặc trưng, gạo nếp cái hoa vàng và bánh đa nem Yên Phụ được sản xuất chủ yếu tại thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, trong đó Gạo nếp cái hoa vàng được chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh. Đây cũng là sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận và có website riêng giới thiệu tại địa chỉ nepcaihoavangyenphu.com. Trong khi đó, sản phẩm bánh đa nem Yên Phụ cũng dần được biết đến qua website banhdanemyenphu.com.
Về sản phẩm gạo nếp cái hoa vàng, ông Tô Như Khoa, Giám đốc HTX Đức Lân cho biết, HTX hiện có hơn 500 thành viên, do được tập huấn liên tục, các thành viên HTX đến nay đã nắm vững quy trình sản xuất VietGAP. Trong quá trình sản xuất, HTX sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thân thiện môi trường, bảo đảm chất lượng và ATTP cho sản phẩm.
Để bảo đảm ATTP trong sản xuất thực phẩm truyền thống, các cơ sở phải bảo đảm các điều kiện về địa điểm, cơ sở sản xuất; điều kiện về trang thiết bị dụng cụ; điều kiện về con người. Do đó, trong thời gian vừa qua UBND huyện, Ban chỉ đạo liên ngành huyện đã chỉ đạo Đội Thanh tra - Quản lý ATTP huyện Yên Phong phối hợp với Phòng Kinh tế và hạ tầng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên truyền, hướng dẫn, duy trì và tăng cường công tác bảo đảm ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm bánh tẻ, gạo nếp cái hoa vàng, bánh đa nem Yên Phụ trên địa bàn huyện.
Liên quan đến công tác bảo đảm ATTP nói chung, thời gian qua UBND huyện Yên Phong, Ban Chỉ đạo liên ngành huyện và các xã, thị trấn đã tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, làm rõ trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh trong việc bảo đảm ATTP theo đúng quy định trên các phương tiện thông tin như Đài truyền thanh. Vào các đợt cao điểm như: Tết Nguyên đán, mùa Lễ hội, Tháng Hành động vì chất lượng ATTP, Tết Trung thu, công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm ATTP trên địa bàn được tăng cường với việc thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành huyện và các xã, thị trấn.
Trong thời gian tới, UBND huyện, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP huyện Yên Phong tiếp tục chỉ đạo Đội Thanh tra - Quản lý ATTP huyện phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với các cơ quan liên quan trên địa bàn huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện tốt các quy định; xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các cơ sở trồng trọt sản phẩm gạo thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về ATTP; Phòng Kinh tế hạ tầng phối hợp các đơn vị liên quan hướng dẫn các cơ sở đăng ký và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận dành cho sản phẩm của mình sản xuất. Đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách, pháp luật, kiến thức ATTP, phổ biến các mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn, các sản phẩm truyền thống của địa phương nhằm quảng bá, khích lệ sản xuất sản phẩm thực phẩm an toàn, mang đậm nét truyền thống, đặc sản địa phương...