Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, xây dựng và kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các địa phương về an toàn thực phẩm; Tăng cường xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, xây dựng và kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng trong đảm bảo an toàn thực phẩm lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Thời gian qua, Ban Quản lý An toàn thực phẩm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai nhiều giải pháp để hình thành chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn nhằm khép kín từ khâu sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng sản phẩm và lợi ích của người dân cũng như đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh.
Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, chủ động phối hợp với các sở ngành và chính quyền các địa phương hướng dẫn xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh phát triển nông nghiệp của tỉnh; tạo cơ hội cho các đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh có cơ hội xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của địa phương.
Tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm nông lâm thủy sản nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh phát triển nông nghiệp của tỉnh
Theo đó, phối hợp với Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tỉnh Ninh Bình, tỉnh Tuyên Quang tổ chức thành công Hội nghị “Kết nối tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản Ninh Bình, Tuyên Quang tại Bắc Ninh năm 2023” đây là cơ hội kết nối các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản; Phối hợp với các đơn vị và địa phương tham gia giới thiệu các sản phẩm nông sản an toàn tại Chương trình Festival nông sản Hà Nội; tham gia Hội chợ triển lãm Công Thương - OCOP Thái Nguyên 2023, Hội nghị xúc tiến thương mại nông nghiệp năm 2023 tỉnh Nam Định; tổ chức thành công Đoàn xúc tiến thương mại và khảo sát thị trường tại tỉnh Quảng Ninh và Nam Định; Tham gia trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn, sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền năm 2023 từ ngày 08-13/11/2023 tại Thành phố Thanh Hóa; Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông triển khai giới thiệu, hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp về kỹ năng số và cách thức đưa sản phẩm hàng hóa nông sản giao dịch trên các sàn thương mại điện tử và lưu thông đến tay người tiêu dùng đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để quảng bá, giới thiệu cho nhiều doanh nghiệp, khách hàng trong và ngoài tỉnh; đồng thời hỗ trợ, khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh đa dạng hóa, mở rộng kênh phân phối.
Song song với đó, tích cực đẩy mạnh xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, thông qua việc chứng nhận chuỗi sản phẩm cung ứng thực phẩm an toàn để nhận diện sản phẩm, quảng bá và truy xuất nguồn gốc do sản phẩm được kiểm soát từ khâu sản xuất đến lưu thông trên thị trường giúp cho người tiêu dùng dễ dàng nhận biết và tiếp cận được với các nông sản thực phẩm an toàn. Tính đến 07/12/2023, Ban Quản lý ATTP đã hướng dẫn, giám sát và xác nhận 30 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn nâng tổng số lên 97 chuỗi trên địa bàn tỉnh (tăng 167% số lượng chuỗi đã xác nhận năm 2022) với sự tham gia của 21 cơ sở sản xuất ban đầu trong và ngoài tỉnh, đặc biệt có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn của tỉnh như: Công ty TNHH Việt Farm - Chi nhánh miền bắc, Công ty TNHH Hương Việt Sinh Công ty TNHH Nam Dũng Bắc Ninh, Công ty TNHH Phúc Hưng BN, Công ty TNHH Hoa quả sạch… với số lượng sản phẩm lớn cung cấp vào các thị trường có yêu cầu cao. Thông tin về cơ sở được xác nhận công bố rộng rãi đến người tiêu dùng qua trang thông tin điện tử của Ban Quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh, báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh. Các sản phẩm được xác nhận chủ yếu là rau, củ, quả, thịt và các sản phẩm từ thịt...
Các sản phẩm được xác nhận chủ yếu là rau, củ, quả, thịt và các sản phẩm từ thịt...
Ngoài ra, công tác đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP được chú trọng. Năm 2023, toàn tỉnh có 102 sản phẩm của 40 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP tăng 59,4 % so với năm 2022 (năm 2022 có 64 sản phẩm của 32 chủ thể tham gia chương trình). Văn phòng điều phối nông thôn mới đã chủ động, tích cực phối hợp với các Sở, ngành, địa phương và đơn vị tư vấn hướng dẫn chủ thể chuẩn hóa, hoàn thiện sản phẩm. Đến nay, đã có 60 sản phẩm đã hoàn thiện hồ sơ sản phẩm tham gia dự thi đánh giá phân hạng, thị xã Quế Võ đã tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm năm 2023 với 21 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Dự kiến các huyện, thị xã, thành phố sẽ tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm xong trong tháng 12 và có khoảng 55 sản phẩm OCOP được công nhận.
Toàn tỉnh đã công nhận được 93 sản phẩm OCOP
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến xúc tiến thương mại, công tác kết nối, xây dựng, phát triển chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn đã đạt được kết quả tích cực, giúp kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng sản phẩm nông nghiệp đến khâu tiêu dùng đến nay, toàn tỉnh đã công nhận được 93 sản phẩm OCOP trong đó 34 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 59 sản phẩm đạt hạng 4 sao... Qua đó khẳng định việc phát triển chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn là một trong những hướng đi quan trọng của tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Để xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và thúc đẩy kết nối cung cầu tiêu thụ nông sản thủy sản, trong thời gian tới Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai nghiêm túc công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm của Trung ương, địa phương. Tăng cường phổ biến, tuyên truyền các quy định, chính sách hỗ trợ trong sản xuất sản phẩm nông sản được Chính phủ, Bộ và UBND tỉnh ban hành, tuyên truyền lợi ích và hiệu quả khi doanh nghiệp tham gia chuỗi; đồng thời, tuyên truyền vận động nông dân, hội viên tham gia tích cực vào sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn. Vận dụng các quy định, chính sách trong xây dựng chuỗi để kịp thời hỗ trợ một phần kinh phí cho cơ sở tham gia mô hình.
Đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm tham gia chuỗi đến đông đảo người tiêu dùng, đồng thời thường xuyên thông tin các điểm bán sản phẩm an toàn để người tiêu dùng biết, lựa chọn. Phối hợp với ngành Công thương, các địa phương trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; vận động cơ sở ứng dụng, tham gia các sàn thương mại điện tử để kết nối tiêu thụ sản phẩm; kết hợp giữa phương thức phân phối truyền thống với phân phối hiện đại tăng sản lượng tiêu thụ sản phẩm./.