Bắc Ninh chỉ đạo triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm

10/05/2024 16:32 View Count: 38

Thực hiện Công điện số 44/CĐ-TTg ngày 03/5/2024 của Thủ tường Chính phủ về việc ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm, UBND tỉnh Bắc Ninh vừa ban hành văn bản số 1524/UBND-KGVX ngày 7/5/2024 về triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.

Văn bản nêu rõ: Trong những năm qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực; nhiều hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, từng bước đưa công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đi vào nề nếp. Tình hình ngộ độc thực phẩm được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tại một số địa phương trên cả nước đã liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có một số vụ ngộ độc thực phẩm lớn làm nhiều người mắc và phải nhập viện điều trị. Nguyên nhân chính là do quy trình chế biến, bảo quản nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm chưa đúng cách; ý thức chấp hành quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa nghiêm; điều kiện thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi sinh vật, động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng,…).

Để tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường triển khai có hiệu quả các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.

Tập trung kiểm tra các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể trong khu, cụm công nghiệp, trường học, cơ sở kinh doanh dịch vụ nấu ăn lưu động, thức ăn đường phố….

Chủ tịch UBND tỉnh giao Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh chủ trì triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, kết hợp các hình thức, phương tiện truyền thông kỹ thuật số, tăng cường thời lượng, thông tin về an toàn thực phẩm; chú trọng việc tuyên truyền trên hệ thống phát thanh địa phương các thông tin, cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm trên địa bàn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất; giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; trong đó tập trung vào các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể trong khu, cụm công nghiệp, trường học, cơ sở kinh doanh dịch vụ nấu ăn lưu động, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, đóng bình, cơ sở sản xuất rượu thủ công,... Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm theo quy định; công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời cho cộng đồng. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm. Thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi, xử lý các sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn. Chủ động sẵn sàng các phương án điều tra, xử lý để ứng phó kịp thời khi có trường hợp ngộ độc thực phẩm đông người xảy ra.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm tới các hộ nông dân, cơ sở sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ,... Tập trung hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh đúng cách và an toàn. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm hữu cơ, an toàn. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nông, lâm, thủy sản; cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh; cơ sở giết mổ,... Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh trong hoạt động giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xử lý các sản phẩm thực phẩm nông sản không đảm bảo an toàn. Phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh và các đơn vị liên quan trong điều tra, khắc phục và giải quyết hậu quả sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm.

 Sở Công thương phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh và các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền về bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt đối với các mạng lưới chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh.  Tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh thực phẩm qua các sàn thương mại điện tử, bán hàng online qua các trang mạng xã hội,...

Yêu cầu Sở Y tế chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị y tế, vật tư, nhân lực để sẵn sàng ứng phó khi có ngộ độc thực phẩm và các sự cố về an toàn thực phẩm xảy ra.  Chỉ đạo các cơ sở y tế cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm, bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng người dân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm. Phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh tuyên truyền về bảo đảm an toàn thực phẩm, nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm; phối hợp điều tra nguyên nhân, xử lý môi trường liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm.

Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm cho cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên nhằm nâng cao nhận thức và kiến thức lựa chọn thực phẩm như: không sử dụng các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, quá hạn sử dụng,... Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với cơ quan chức năng, Ban cha mẹ học sinh tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm đối với bếp ăn tập thể trường học.

Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh theo chức năng nhiệm vụ, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phòng chống thực phẩm không bảo đảm điều kiện, an toàn, chất lượng, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ trong các hoạt động kinh doanh, phân phối, lưu thông thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm trên thị trường. Tổ chức phát hiện, điều tra, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

 Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Thông tin - Truyền thông, Báo Bắc Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Cổng Thông tin điện tử tỉnh đẩy mạnh triển khai các hoạt động truyền thông về an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm thông qua các tin, bài viết, chuyên mục, phòng sự...; tăng cường thời lượng, tần suất phát sóng, đưa tin, tuyên truyền về cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm; hướng dẫn lựa chọn, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn, nhất là tại các điểm tập trung đông người, khu, cụm công nghiệp, trường học, các thôn, khu phố,... Biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; đồng thời phê phán hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn, gây nguy hại đối với sức khỏe con người.

Đồng thời, đề nghị Ủy ban mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức thành viên phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm, các cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm; cách lựa chọn, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn,... cho đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân ở cộng đồng dân cư. Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường giám sát ở cộng đồng dân cư về công tác sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm... Phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát về đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở bán hàng rong đặc biệt là các cơ sở gần cổng trường học..

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; phối hợp với  Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh, các cơ quan liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn; có giải pháp phù hợp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở bán hàng rong (đặc biệt là các cơ sở gần cổng trường học), cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn theo phân cấp quản lý. Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, các đơn vị liên quan phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn; giám sát nguy cơ an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm. Thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý các sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn trên địa bàn.  Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn ký cam kết đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ theo quy định./.

Ban Biên tập