Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh: Hội nghị phân tích chuyên sâu về Chỉ số DDCI
Chiều ngày 15/5, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh phối hợp với Viện Nghiên cứu và phát triển kinh tế- xã hội tỉnh tổ chức hội nghị phân tích chuyên sâu về chỉ số DDCI năm 2022 và đề ra phương hướng năm 2023. Dự có đồng chí Nguyễn Vinh Thanh, Bí thư Đảng uỷ, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh; các đồng chí trong Ban Lãnh đạo, Trưởng, Phó các phòng/đội và chuyên viên có liên quan.
Đồng chí Nguyễn Vinh Thanh, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Vinh Thanh, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh khái quát tình hình hoạt động của Ban sau 5 năm thí điểm thành lập. Theo đó, mô hình Ban đi vào hoạt động đã thống nhất một đầu mối quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh; Ban đã chủ động phối hợp với các cấp, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Công tác cải cách thủ tục hành chính được lãnh đạo Ban quan tâm, chỉ đạo sát sao. Hàng năm, Ban đã xây dựng và triển khai kế hoạch cải cách hành chính; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, thường xuyên tiến hành rà soát và đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC). Hiện nay, số lượng TTHC đã được rút gọn còn 09 TTHC (so với thời gian đầu thành lập là 19 thủ tục), trong đó, có 05 TTHC được rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định; 100% TTHC được thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 03 thủ tục thực hiện theo cơ chế “5 tại chỗ”. Từ năm 2018 đến nay, tỷ lệ hài lòng của người dân đến làm TTHC của Ban đạt cao, không có ý kiến phàn nàn hoặc đơn thư khiếu nại. Năm 2022, chỉ số CCHC của Ban xếp thứ 2/17 Sở, ban, ngành của tỉnh. Đồng chí Trưởng ban cũng đề nghị, tại hội nghị này, mỗi cán bộ CCVC tập trung nghiên cứu, tiếp thu các phân tích chuyên sâu về chỉ số DDCI, từ đó tiếp tục nỗ lực thực hiện các hoạt động góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính; tiếp tục rà soát, đơn giản hoá thủ tục hành chính và thúc đẩy hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trình bày chuyên đề tại hội nghị
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Phương Bắc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đã trình bày chuyên đề về phân tích các Chỉ số chất lượng điều hành và quản trị của Ban Quản lý An toàn thực phẩm năm 2022; Phân tích về Chỉ số thành phần, các chỉ tiêu thuộc Chỉ số chất lượng điều hành, quản trị của các Sở, ban, ngành, địa phương và mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ hành chính công, dịch vụ công trực tuyến; xây dựng văn hoá tổ chức, văn hoá công vụ. Theo bảng xếp hạng Chỉ số DDCI năm 2022, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đạt 70.28 điểm, xếp thứ hạng 20/26 Sở, ngành, tăng 03 bậc so với năm 2021. Các chỉ số thành phần có thứ hạng cao như: cạnh tranh bình đẳng xếp thứ 12/26, thiết chế pháp lý xếp thứ 13/26, vai trò của người đứng đầu xếp thứ 10/26…
Toàn cảnh Hội nghị
Trên cơ sở kết quả đạt được, những điểm còn tồn tại, hạn chế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế- xã hội đưa ra một số khuyến nghị đối với Ban Quản lý An toàn thực phẩm nhằm nâng cao chỉ số DDCI năm 2023. Theo đó, tập trung nâng cao tính năng động, tiên phong gắn định hình văn hóa công vụ và xây dựng văn hóa tổ chức phục vụ doanh nghiệp, người dân; cải thiện tính minh bạch trong tiếp cận thông tin, nguồn lực; thực hiện đầy đủ các biện pháp giảm thiểu chi phí không chính thức; tăng cường tương tác với doanh nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chính quyền số, chính quyền điện tử, chia sẻ dữ liệu; đổi mới hình thức tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp…