Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới
Đó là chủ đề của Tháng Hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) diễn ra trong phạm vi cả nước từ ngày 15-4 đến 15-5. Trong bối cảnh chung phải đối mặt với những thách thức như: Ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại các KCN, bếp ăn tập thể, trường học… còn diễn biến phức tạp, tình trạng nhập lậu, thực phẩm không bảo đảm còn lưu thông trên thị trường; nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm không bảo đảm các điều kiện vệ sinh tối thiểu; tỉ lệ ô nhiễm vi sinh vật, ô nhiễm hoá chất trong thực phẩm còn chiếm tỉ lệ cao hơn so với các nước trong khu vực; một bộ phận người sản xuất, kinh doanh thực phẩm vì lợi nhuận mà bất chấp đạo đức, trách nhiệm xã hội… vấn đề bảo đảm an ninh, ATTP cần được quan tâm nhiều hơn nữa.
An ninh, ATTP giữ vai trò đặc biệt quan trọng vì ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên đến sức khoẻ, tính mạng người sử dụng, về lâu dài còn ảnh hưởng đến nòi giống của dân tộc. Bảo đảm tốt an ninh, ATTP sẽ góp phần làm tăng nguồn lực con người, làm phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Chỉ thị 17-CT/TW ngày 21-10-2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới với nhiều nội dung cốt lõi và điểm mới được đánh giá là tiền đề quan trọng tạo sự chuyển biến thực sự về ATTP. Tại Bắc Ninh, để triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Kế hoạch số 82-KH/TU ngày 16-1-2023; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 30-3-2023.
Đoàn kiểm tra liên ngành tuyến tỉnh kiểm tra tại một bếp ăn tập thể trong Tháng Hành động vì ATTP năm 2023.
Tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới, năm 2023, Ban Quản lý ATTP tỉnh với vai trò là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP có nhiều nỗ lực trong triển khai các nội dung hoạt động. Trong đó, công tác giám sát ATTP, công tác hậu kiểm, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm được thực hiện ngày càng hiệu quả.
Với ý nghĩa quan trọng trong kịp thời phát hiện để biện pháp ngăn chặn thực phẩm không bảo đảm chất lượng, an toàn lưu thông trên thị trường, đồng thời là căn cứ để định hướng trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, góp phần giảm thiểu các sự cố về ATTP, công tác giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm được Ban Quản lý ATTP tỉnh triển khai thường xuyên. Trong năm 2023, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã tiến hành lấy 1.530 mẫu giám sát mối nguy thực phẩm thực hiện test nhanh và gửi xét nghiệm với tổng 5.511 chỉ tiêu, trong đó, 1.282 mẫu đạt (chiếm 83,8%), 248 mẫu không đạt (16,2%). Các mẫu gửi kiểm nghiệm không đạt chủ yếu là thịt và sản phẩm chế biến từ thịt phải xử lý nhiệt trước khi sử dụng; thủy sản; thực phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi; nước đá dùng liền tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; bún, bánh; nem Bùi; giò, chả; thịt và sản phẩm chế biến từ thịt ăn ngay.
Trong quá trình thực hiện công tác kiểm tra, giám sát đảm ATTP phục vụ các lễ hội, sự kiện lớn, Ban Quản lý ATTP tỉnh đã tiến hành lấy hơn 500 mẫu thực phẩm xét nghiệm nhanh nhằm ngăn chặn việc sử dụng nguồn nguyên liệu không bảo đảm ATTP trước khi chế biến.
Định kỳ hàng năm, khi bắt đầu bước vào năm học mới hoặc đột xuất, Ban Quản lý ATTP tỉnh phối hợp với Sở GD-ĐT thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát bếp ăn tập thể tại các trường học có tổ chức ăn bán trú trên địa bàn tỉnh. Năm qua, cơ quan chức năng đã thực hiện giám sát 400 lượt cơ sở, trong đó 325 cơ sở đạt, 73 cơ sở không đạt. Đối với các bếp ăn tập thể không đạt, đoàn giám sát đã tiến hành hướng dẫn, nhắc nhở trực tiếp, Ban Quản lý ATTP tỉnh thông tin đến Sở GD-ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố để có biện pháp khắc phục nhằm bảo đảm ATTP tại các cơ sở giáo dục, trường học trên địa bàn tỉnh.
Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về ATTP được tăng cường với 4.592 cơ sở trong toàn tỉnh được thanh tra, kiểm tra, giám sát trong năm 2023, tổng số tiền xử phạt, số tiền nộp lại bất hợp pháp và trị giá hàng tịch thu, tiêu huỷ đối với những trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về ATTP ước tính hơn 2 tỉ đồng. Đây là kết quả nỗ lực của Ban Quản lý ATTP tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh và Công an tỉnh.
Chung tay vào nâng cao nhận thức của cộng đồng về ATTP, công tác thông tin, truyền thông về ATTP được các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động triển khai thực hiện có hiệu quả, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, bao gồm truyền thông trực tiếp và truyền thông gián tiếp; tăng cường tần suất truyền thông và nâng cao chất lượng các tài liệu, thông điệp truyền thông; tập huấn, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức, các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp và người dân trong công tác đảm bảo ATTP.
Năm nay, lễ phát động Tháng Hành động vì ATTP cấp tỉnh dự kiến được tổ chức tới đây, lễ phát động hoặc hội nghị hay các hình thức khác triển khai Tháng Hành động cũng sẽ được tổ chức rộng rãi ở cấp huyện, xã. Ông Nguyễn Vinh Thanh, Trưởng Ban Quản lý ATTP tỉnh nhấn mạnh: Các hoạt động bảo đảm ATTP trong Tháng Hành động vì ATTP năm 2024 là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ các quy định pháp luật về ATTP trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn. Không chỉ gắn trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác ATTP; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác bảo đảm ATTP; các hoạt động trong Tháng Hành động được tổ chức còn phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm ATTP.
Song song với một chiến dịch truyền thông bảo đảm ATTP được phối hợp triển khai thành vệt là hoạt động kiểm tra liên ngành được tổ chức ở tất cả các tuyến. Các đoàn thanh, kiểm tra được thành lập với đầy đủ thành phần chuyên môn và đủ thẩm quyền, chuẩn bị các văn bản có liên quan, trang thiết bị, dụng cụ lấy mẫu, dụng cụ kiểm tra nhanh tại hiện trường, xử lý nghiêm và kịp thời các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm.