Chú trọng quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm Nông lâm thủy sản

11/07/2022 16:27 View Count: 522

Thời gian qua, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản luôn được ngành nông nghiệp chú trọng triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về ATTP nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về ATTP nông, lâm, thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản bằng các hình thức phong phú, đa dạng, dễ tiếp cận tới tất cả các đối tượng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tập huấn về an toàn thực phẩm trong sản xuất ban đầu, thu gom, giết mổ và vật tư nông nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2022, đã phối hợp tổ chức trên 36 lớp tập huấn cho 3.209 lượt người về phổ biến văn bản quy phạm pháp luật mới về giống cây trồng, thuốc BVTV và phân bón, luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thủy sản, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; 01 lớp tuyên truyền về bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm có nguồn gốc từ nuôi trồng thủy sản. Công tác thanh tra, kiểm tra luôn được triển khai có trọng tâm, trọng điểm; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong quá trình thanh kiểm tra vật tư đầu vào trong sản xuất nông nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm, đã kiểm tra 41 cơ sở, đã phát hiện 7 cơ sở vi phạm và đã xử phạt hành chính với tổng số tiền là 59,597 triệu đồng. Công tác kiểm tra chất lượng thức ăn chăn nuôi, thủy sản, thuốc thú y, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường, giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV được chú trọng; ngành đã lấy 104 mẫu vật tư nông nghiệp, trong đó có 14 mẫu không đạt và xử phạt các cơ sở sản xuất theo đúng quy định của pháp luật.


Đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá nông sản an toàn

Sở Nông nghiệp cũng thường xuyên phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm triển khai thực hiện hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; tiếp tục phối hợp thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mô hình chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh; phối hợp nghiệm thu được 02 mô hình liên kết chuỗi với 01 mô hình rau, quả theo hướng VietGAP; 01 mô hình chăn nuôi lợn theo hướng VietGAHP.

Một trong những giải pháp được chú trọng đó là đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích hình thành vùng sản xuất tập trung, sản xuất an toàn đạt tiêu chuẩn VietGap, sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất hàng hoá tập trung với 671 vùng lúa năng suất cao và 654 vùng lúa chất lượng cao, quy mô mỗi vùng từ 3 ha trở 3 lên; 71 vùng rau màu tập trung với quy mô 03 ha trở lên; 24 vùng cây ăn quả tập trung với quy mô 02 ha trở lên. Có 174 cơ sở nuôi trồng thủy sản, trồng trọt được cấp giấy chứng nhận VietGAP còn hiệu lực; 20 cơ sở được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh; 61 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất ban đầu; hình thành vùng, cơ sở sản xuất an toàn.  


Chú trọng kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về ATTP tại cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản

Để thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng đối với sản xuất nông nghiệp, góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý chất lượng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là đối tượng sản xuất kinh doanh, giết mổ nhỏ lẻ; việc quản lý sử dụng thuốc BVTV, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông, thủy sản. Đẩy mạnh xây dựng các vùng sản xuất nông sản an toàn đã được quy hoạch; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có kiểm soát. Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản phẩm để tăng sức cạnh tranh; tăng cường liên kết, xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, kết nối tiêu thụ nông sản thông qua việc hình thành hệ thống cửa hàng kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn và các siêu thị. Chú trọng quảng bá các mô hình chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn. Tăng cường tuyên truyền, tập huấn, nâng cao ý thức, trình độ nông dân về sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, mô hình chuỗi sản xuất nông sản an toàn... nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng, an toàn./.

Phượng Duyên