Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm
Sáng 21/5, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Điểm cầu tỉnh Bắc Ninh được tổ chức tại Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh do đồng chí Nguyễn Vinh Thanh, Trưởng ban Quản lý ATTP tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Bắc Ninh
Theo báo cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong 5 tháng đầu năm, cả nước xảy ra 36 vụ ngộ độc thực phẩm với trên 2.100 người mắc, 6 trường hợp tử vong, 10 vụ có trên 30 người mắc. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm 4 vụ, song số người mắc tăng thêm trên 1.432 người. Nguyên nhân ngộ độ được xác định do thực phẩm nhiễm vi sinh vật, hóa chất, độc tố tự nhiên. Các vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể có dấu hiệu gia tăng; trong đó, nhiều vụ ngộc độc lớn xảy ra tại các tỉnh: Sóc Trăng, Khánh Hòa, Đồng Nai, Vĩnh Phúc… Ngay sau khi nhận được thông tin các vụ ngộ độc thực phẩm, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương tập trung nguồn lực, tích cực điều trị cho các bệnh nhân; đình chỉ cơ sở gây ngộ độc, điều tra, lấy mẫu xét nghiệm. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở dịch vụ ăn uống, tuyên truyền, giáo dục kiến thức cho người dân…
Tại hội nghị, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương đã thông tin việc triển khai các quy định pháp luật, kết quả về kiểm soát nguyên liệu nông sản có nguồn gốc từ động vật, thực vật sản xuất trong nước và nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, các địa phương báo cáo, tham luận về tình hình hoạt động phòng, chống ngộ độc thực phẩm, những khó khăn và chia sẻ kinh nghiệm.
Tại Bắc Ninh, trên quan điểm phòng là chính, trong những năm qua Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tích cực triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Do đó, trong 03 năm (2021, 2022, 2023) không có vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người mắc, tình hình ngộ độc thực phẩm được cải thiện rõ rệt. Nguyên nhân của các vụ NĐTP chủ yếu là do nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật trong quá trình lựa chọn, kiểm soát nguyên liệu, sơ chế, chế biến và bảo quản thực phẩm. ….
Kết luận tại hội nghị, Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành trung ương liên quan và các địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ thị, công điện của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới, ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm; quan tâm công tác quản lý ATTP trên địa bàn, tăng cường, bố trí đầy đủ nguồn nhân lực, kinh phí cho công tác an toàn thực phẩm nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm. Chỉ đạo tăng cường kiểm soát chặt với nguồn nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý; truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý. Tổ chức giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố an toàn thực phẩm UBND các cấp kiện toàn và ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho thành viên Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP…