Hội thảo “ Triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”

29/06/2023 17:30 View Count: 372

Ngày 28/6, tại Bắc Ninh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Đồng chí Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế đồng chủ trì.

Tham gia Hội thảo có đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo một số sở, ban, ngành các địa phương. Dự và tham luận tại hội thảo, về phía Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh có đồng chí Nguyễn Vinh Thanh, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban.


Toàn cảnh Hội thảo

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, sự cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm đã có những kết quả đáng khích lệ. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm không ngừng nâng cao, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Hệ thống cơ cấu tổ chức còn chưa thống nhất, đồng bộ; Tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, đặc biệt là ở các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, trường học bước đầu đã có kiểm soát nhưng nguy cơ vẫn cao; Việc kinh doanh trực tuyến, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật gây ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, gây bức xúc dư luận xã hội…Sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Bộ Y tế đã tổ chức kế hoạch tuyên truyền, triển khai thực hiện.

Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe những nội dung cốt lõi và điểm mới của Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”; “Thực trạng vấn đề an ninh, an toàn thực phẩm ở Việt Nam và định hướng công tác quản lý trong thời gian tới”. Các đại biểu cũng tập trung tham luận, làm rõ các vấn đề như mô hình tổ chức, quản lý an toàn thực phẩm các cấp hiện nay; làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ ngành có liên quan trong quản lý an toàn thực phẩm…Theo đó, chia sẻ tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm của Việt Nam được đánh giá là đã tiếp cận với phương thức quản lý tiên tiến của thế giới. Đặc biệt, bước đầu đã hình thành được hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về An toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương. Dù vậy, thực tế triển khai cũng còn nhiều tồn tại, vướng mắc. Hiện nay mô hình quản lý an toàn thực phẩm không thống nhất, đa phần địa phương có Chi cục ATVSTP, 3 tỉnh thành có Ban Quản lý An toàn thực phẩm, cũng có tỉnh thì cơ quan quản lý an toàn thực phẩm là một phòng thuộc Sở Y tế…

Ngoài các công tác chuyên môn như ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra; đẩy mạnh truyền thông… Chỉ thị của Ban Bí thư đặt ra yêu cầu rất quan trọng là phải xây dựng được một cơ quan quản lý thống nhất về an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương.

Để đáp ứng yêu cầu này, quán triệt triển khai Chỉ thị 17 của Ban Bí thư và hướng dẫn số 82 của Ban Tuyên giáo Trung ương, Quyết định số 426/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 17, thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ xây dựng tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm từ Trung ương đến địa phương; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm.

Phát biểu tham luận tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Vinh Thanh,Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh cho biết: Sau gần 6 năm hoạt động theo hướng thống nhất một đầu mối Quản lý nhà nước về ATTP, Ban đã triển khai đồng bộ quyết liệt các giải pháp đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh và đã đạt được những kết quả quan trọng. Tổ chức bộ máy, biên chế được sắp xếp và kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả theo chỉ đạo của Trung ương và theo Đề án vị trí việc làm đã được UBND tỉnh phê duyệt. Công tác tham mưu, chỉ đạo điều hành được chủ động, nâng cao chất lượng, hiệu quả xử lý công việc; Công tác phối hợp được triển khai nhịp nhàng, đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả. Các hoạt động truyền thông được tăng cường và đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, giúp mọi đối tượng được tiếp cận các thông tin chính thống các quy định về ATTP. Xây dựng và triển khai hiệu quả phần mềm “Hệ thống thông tin quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh”. Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, có trọng tâm, trọng điểm theo từng chuyên đề. Các hoạt động giám sát hậu kiểm, giám sát phòng ngừa và quản lý ngộ độc thực phẩm được thực hiện đồng bộ; việc điều tra, xử lý ngộ được thực hiện được nhanh chóng, khoa học, số vụ ngộ độc thực phẩm, số người mắc được giảm dần qua các năm. Từ năm 2018-2022 số vụ ngộ độc thực phẩm và số người mắc giảm ≈ 3 lần so với giai đoạn 2013-2017; đặc biệt, năm 2021-2022 không có vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người mắc. Công tác cải cách hành chính được quan tâm, chỉ đạo sát sao, số TTHC đã được rút gọn còn 08 thủ tục, giảm 11 thủ tục so với thời gian đầu thành lập; Mô hình tổ chức Đội TT- QLATTP tại tuyến huyện đã tác động tích cực đến hiệu quả quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh…

Bên cạnh những thuận lợi, Ban cũng gặp một số khó khăn khi cơ chế và quy định pháp luật trong một số trường hợp không có hướng dẫn cụ thể của các Bộ, ngành có liên quan cho mô hình thí điểm Ban Quản lý ATTP, nên khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; số lượng biên chế hiện có dẫn đến khó khăn trong phân bổ nguồn lực; Ban hoạt động chịu sự quản lý của cả 3 Bộ, ngành nên đôi khi còn gặp khó khăn trong công tác tham mưu, báo cáo…

Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TW, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh đề xuất một số giải pháp: cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; coi công tác bảo đảm an toàn thực phẩm là một nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Sớm kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước làm công tác an toàn thực phẩm theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ từ Trung ương đến cơ sở; ưu tiên bố trí nguồn lực và kinh phí cho công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức truyền thông, ứng dụng công nghệ số trong công tác tuyên truyền; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các sai phạm; Tập trung quy hoạch vùng sản xuất, nuôi trồng an toàn gắn với Chương trình OCop; thực hiện kiểm soát ATTP ngay từ yếu tố đầu vào; liên kết với các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn. Sớm tổng kết luật ATTP, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đặc thù cần thiết; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm phù hợp với thực tiễn….

Phát biểu Kết luận Hội thảo, ông Vũ Thanh Mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TW cho biết Ban tổ chức sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham luận để triển khai hiệu quả chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư và đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, phổ biến Chỉ thị và tổ chức triển khai tại cơ sở./.

Văn phòng