Một số kết quả trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm 2023
Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã tiến hành thanh, kiểm tra, hậu kiểm đối với 1595 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh; tiếp nhận 37 hồ sơ công bố sản phẩm, 539 hồ sơ tự công bố sản phẩm, 03 hồ sơ quảng cáo thực phẩm. Thẩm định, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm cho 447 cơ sở, tiếp nhận 637 giấy cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm. Công tác giám sát, phát hiện mối nguy ô nhiễm thực phẩm luôn được quan tâm và triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch phê duyệt.
Việc triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh đã được đơn vị chủ động bám sát các chỉ tiêu theo kế hoạch phê duyệt và đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, ngay từ đầu năm Ban Quản lý An toàn thực phẩm tham mưu nhiều văn bản về công tác đảm bảo ATTP như: Tham mưu UBND tỉnh Tờ trình phê duyệt Kế hoạch đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản năm 2023. Tham mưu Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh ban hành Kế hoạch số 09/KH-BCĐLNATTP ngày 12 tháng 12 năm 2022 về Triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Qúy Mão và mùa Lễ hội Xuân 2023; Kế hoạch Triển khai “tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023; ….Bên cạnh đó, cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh góp phần phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục các sự cố về an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh, giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm với nhiều hình thức đa dạng
Đồng thời, đơn vị thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng hóa thông qua các phương tiện truyền thông, các kênh báo, đài. Nội dung tuyên truyền ngày càng phong phú, dễ tiếp cận góp phần nâng cao nhận thức của người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng. Theo báo cáo 6 tháng đầu năm, tuyến tỉnh tổ chức đăng 440 tin/bài trên Cổng thông tin điện tử thành phần của Ban, cung cấp nhiều lượt tin bài đăng trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh. Tuyến huyện, xã thực hiện phát thanh 191 tin bài/1058 lần phát tuyên truyền, phổ biến các thông tin về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Toàn tỉnh tổ chức 176 lớp tập huấn, cập nhật kiến thức về an toàn thực phẩm cho 3.585 người trực tiếp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Công tác cấp giấy chứng nhận, xác nhận, tiếp nhận hồ sơ được thực hiện đúng quy định, toàn tỉnh tiếp nhận 37 hồ sơ công bố sản phẩm, 539 hồ sơ tự công bố sản phẩm, 03 hồ sơ quảng cáo thực phẩm. Thẩm định, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm cho 447 cơ sở, tiếp nhận 637 giấy cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm.
Công tác thanh kiểm tra được thực hiện theo đúng kế hoạch , tổ chức có trọng tâm, trọng điểm và được triển khai mạnh mẽ từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã
Trong 6 tháng đầu năm, công tác thanh kiểm tra được thực hiện theo đúng kế hoạch được phê duyệt, tổ chức có trọng tâm, trọng điểm và được triển khai mạnh mẽ từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã. Kết quả, toàn tỉnh tiến hành thanh, kiểm tra, hậu kiểm đối với 1595 cơ sở, trong đó 1311 cơ sở đạt yêu cầu, 259 cơ sở không đạt, 24 cơ sở bị nhắc nhở và 01 cơ sở đang chờ xử lý. Trong quá trình thanh, kiểm tra cũng kết hợp thực hiện kiểm tra, hậu kiểm đối với 07 cơ sở và lấy 25 mẫu sản phẩm kiểm nghiệm, kết quả các mẫu đều có kết quả đạt quy định.
Công tác giám sát, phát hiện mối nguy ô nhiễm thực phẩm trên địa bàn tỉnh luôn được đơn vị quan tâm triển khai thực hiện nhằm kịp thời phát hiện và có biện pháp ngăn chặn không để thực phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn lưu thông trên thị trường và cũng là căn cứ để định hướng trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Nhận thấy, trong 6 tháng đầu năm công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh cơ bản đạt được những kết quả tích cực theo kế hoạch đề ra, công tác tuyên truyền được đổi mới, sáng tạo; công tác tập huấn, xác nhận kiến thức được đẩy mạnh; công tác thanh, kiểm tra được triển khai đồng bộ, xuyên suốt theo đúng kế hoạch phê duyệt. Tuy nhiên, với 86% số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy mô nhỏ lẻ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ chưa được đầu tư, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tự phát, hoạt động chủ yếu vào ban đêm, chưa có quy hoạch gây khó khăn trong công tác quản lý; việc kiểm soát độ an toàn và truy xuất nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm tại các chợ còn khó khăn do nguồn gốc thực phẩm đa dạng, phong phú từ các nơi trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, hiện nay sàn giao dịch thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, việc mua bán qua mạng ngày càng phát triển gây khó khăn, hạn chế trong quản lý nhà nước cũng như kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm…
Để khắc phục những khó khăn, thách thức đặt ra đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, thời gian tới Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm như: Tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành, triển khai có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông nhằm thay đổi hành vi về ATTP; Tích cực phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP. Tăng cường đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, giám sát ATTP góp phần hạn chế nguy cơ mất ATTP, ngộ độc thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng./.