Kết quả triển khai tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024
Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 được Bắc Ninh triển khai mạnh mẽ, đồng bộ trên địa bàn toàn tỉnh từ ngày 15/4-15/5 với các hoạt động cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm; nâng cao trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành và ý thức trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong công tác bảo đảm ATTP. Trong tháng hành động, trên địa bàn tỉnh không xả ra ngộ độc thực phẩm.
Triển khai “Tháng hành động vì An toàn thực phẩm” năm 2024, Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tuyến tỉnh, huyện, xã đã xây dựng, triển khai kế hoạch và thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Tuyến tỉnh tổ chức phát động tháng hành động vì an toàn thực phẩm” với khoảng 450 người tham dự; 08/08 huyện, thị xã, thành phố và 126/126 xã, phường, thị trấn tổ chức Hội nghị triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024”.
Đa dạng các hoạt động truyền thông bảo đảm an toàn thực phẩm
Các hoạt động truyền thông bảo đảm an toàn thực phẩm được đẩy mạnh; Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh đã phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông lưu động; cấp phát tời rơi, treo băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền tại các trục đường chính; tổ chức 321 cuộc truyền thông, tập huấn kiến thức về ATTP, sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn cho trên 30.000 người tham gia; công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông được triển khai thường xuyên… nội dung tập trung chủ yếu tuyên truyền Luật An toàn thực phẩm và các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm để người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm hiểu và làm đúng theo quy định, đặc biệt tuyên truyền sâu rộng tới các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản và người dân trong việc lựa chọn, sử dụng các sản phẩm thực phẩm an toàn.
Công tác kiểm tra được triển khai có trọng tâm, trọng điểm và đồng bộ từ tuyến tỉnh đến tuyến xã; trong quá trình kiểm tra cũng làm tốt công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về ATTP; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm đúng theo quy định.
Theo đó, trong dịp Tháng hành động năm 2024, toàn tỉnh đã thành lập 137 đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra 2.167 cơ sở, số cơ sở chấp hành tốt các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm là 1.912 cơ sở (chiếm 88,23%), số cơ sở chấp hành chưa tốt các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm là 255 cơ sở (chiếm 11,77%), số cơ sở có vi phạm bị phạt tiền là 18 cơ sở, tổng số tiền phạt là hơn 105 triệu đồng, số tiền phạt trung bình/cơ sở là 5,8 triệu đồng.
So sánh với kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm trong dịp Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023, công tác kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh đã được triển khai quyết liệt hơn; số cơ sở được kiểm tra năm 2024 nhiều hơn năm 2023 là 185 cơ sở, số cơ sở vi phạm bị phạt tiền cao gấp hơn 1,2 lần, số tiền phạt cao gấp 1,5 lần (năm 2023 là 15 cơ sở, số tiền phạt 69.250.000 đồng). Các lỗi vi phạm được tiến hành xử phạt liên quan như: Thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn, sổ kiểm thực 03 bước trong chế biến suất ăn công nghiệp; buôn bán sản phẩm thực phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm nhưng không có hồ sơ tự công bố theo quy định; bảo quản thực phẩm không đúng quy định; buôn bán thực phẩm có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; cống rãnh thoát nước thải khu vực nhà bếp bị ứ đọng, không được che kín; chế biến thực phẩm trên thiết bị không đảm bảo vệ sinh…
Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP tỉnh kiểm tra tại siêu thị Dabaco Gia Bình
Tuy nhiên, quá trình triển khai còn một số khó khăn như: Lực lượng thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm tại tuyến xã là lực lượng kiêm nhiệm nên chưa chuyên tâm trong công tác nắm bắt quy định, nâng cao chuyên môn, tham mưu, chỉ đạo, điều hành. Số cơ sở chấp hành chưa tốt các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tập trung chủ yếu ở tuyến xã, phường, thị trấn (220/255 cơ sở có vi phạm trên địa bàn toàn tỉnh) nhưng việc xử lý các cơ sở có vi phạm chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, chưa tiến hành xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nên hiệu quả của công tác kiểm tra chưa cao. Công tác quản lý ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ còn nhiều khó khăn....
Thời gian tới, các ngành chức năng sẽ tiếp tục phát huy vai trò của Ban chỉ đạo liên ngành các cấp về an toàn thực phẩm, đặc biệt Ban chỉ đạo các xã, phường, thị trấn trong chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác quản lý, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm; quan tâm, tổ chức đào tạo, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách về an toàn thực phẩm tại tuyến huyện, xã; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân và các cơ sở trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; có cơ chế khen thưởng kịp thời và cơ chế xử lý mang tính quyết liệt, xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm; công khai các vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn….