Một số kết quả kinh tế - xã hội lĩnh vực An toàn thực phẩm năm 2022
Nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra năm 2022, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh chú trọng triển khai làm tốt công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh đã đoàn kết, thống nhất, chủ động khắc phục khó khăn, nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và đạt được những kết quả nổi bật.
Năm 2022 Ban QLATTP nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và đạt được những kết quả nổi bật
Trong năm 2022, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh đã bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, chương trình công tác của Tỉnh ủy, UBND tỉnh chủ động tham mưu ban hành các văn bảo chỉ đạo về an toàn thực phẩm (ATTP) như: Kế hoạch thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đảm bảo ATTP năm 2022; triển khai các hoạt động thanh tra, kiểm tra ATTP đối với các cơ sở chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; các văn bản chỉ đạo về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 tại cơ quan cũng như đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn tỉnh; các hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục các sự cố về ATTP, ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh…
Trong công tác phối hợp, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, song Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã tích cực phối hợp với Ủy ban mặt trận tổ quốc và các Sở, ngành liên quan triển khai mạnh mẽ các hoạt động đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Phối hợp triển khai các hoạt động đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân, Tháng hành động vì ATTP, Tết trung thu năm 2022; Phối hợp đánh giá kết quả thực hiện đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm bẩn” giai đoạn 2017-2021; xây dựng Dự thảo Kế hoạch thực hiện Đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm bẩn” giai đoạn 2022-2025…..
Chủ động triển khai các hoạt động truyền thông qua nhiều hình thức đa dạng như tin bài, phóng sự trên báo viết, báo điện tử, phát thanh, truyền hình, pano, áp phích, tờ rơi… Trong năm in và cấp phát 96.700 tranh áp - phích, poster, tờ rơi tuyên truyền đảm bảo an toàn thực phẩm; tuyên truyền trên hệ thống phát thanh huyện, xã 2.509 lượt với 256 tin bài; cấp phát và treo 748 băng zôn, khẩu hiệu; lắp đặt 02 pano tuyên truyền đảm bảo ATTP. Tuyên truyền 172.800 lượt nội dung đảm bảo ATTP qua màn hình Led tại một số đường lớn trên địa bàn thành phố, nơi tập trung đông người; thực hiện truyền thông qua mạng xã hội (Fanpage Bắc Ninh nói không với thực phẩm bẩn và qua Zalo Official Ban Quản lý ATTP Bắc Ninh) đã tiếp cận được khoảng 296.125 lượt người quan tâm. Đăng 185 tin, bài trên Cổng thông tin điện tử thành phần của Ban Quản lý ATTP tỉnh; xuất bản 04 số Bản tin ATTP với 4.000 bản nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Ninh đưa 36 tin, bài, phóng sự, phim tài liệu về ATTP. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về ATTP cho 3.531 người trực tiếp sản xuất, chế biến thực phẩm.
Công tác thông tin tuyên truyền về ATTP được đẩy mạnh
Trong Công tác quản lý cơ sở và quản lý chất lượng sản phẩm, Ban Quản lý ATTP tỉnh đã áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý ATTP từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở thông qua phần mềm “Hệ thống thông tin quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh”. Đến nay, tổng số cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm là 10.675 cơ sở. Số cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện/ký bản cam kết đảm bảo ATTP là 10.280/10.675 (đạt 96,3%). Thực hiện cấp 533 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, 415 cơ sở thực hiện ký bản cam kết đảm bảo ATTP. Thực hiện cấp 02 giấy xác nhận hồ sơ quảng cáo, 38 Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; tiếp nhận và đăng tải lên Trang thông tin điện tử thành phần của Ban Quản lý 598 sản phẩm tự công bố của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP. Tiến hành lấy 55 mẫu sản phẩm thực phẩm để thực hiện kiểm nghiệm sau công bố và tự công bố, trong đó đạt 53 mẫu, 03 mẫu đang chờ kết quả kiểm nghiệm.
Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm an toàn thực phẩm được Ban quản lý ATTP chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra trình UBND tỉnh, thanh tra tỉnh phê duyệt và tiến hành thực hiện đúng theo kế hoạch đề ra. Hoạt động thanh tra, kiểm tra được tổ chức có trọng tâm, trọng điểm theo từng chuyên đề, gắn công tác thanh tra, kiểm tra với công tác giám sát hậu kiểm và được triển khai mạnh mẽ từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã. Năm 2022, các cấp, các ngành đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống.... đặc biệt vào các dịp cao điểm trong năm như: Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung thu. Theo đó, trong năm đã tổ chức 415 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành với1.841 cơ sở. Trong đó 1.558 cơ sở (chiếm 84,6%); không đạt: 265 cơ sở (chiếm 15,4%). Đã ban hành 11 Quyết định xử lý, xử phạt với tổng số tiền phạt 86.000.000đ. Bên cạnh đó cũng thực hiện 16 đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; thanh, kiểm tram hậu kiểm 329 cơ sở.
Việc xây dựng và triển khai thực hiện 01 Đề án và 02 mô hình về ATTP được triển khai hiệu quả. Cùng với đó, công tác cải cách hành chính luôn được chú trọng, bảo đảm công khai và tạo thuận lợi cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật. Hiện tại, có 09 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh. Trong đó, có 05 thủ tục hành chính được rút ngắn 11-13% thời gian giải quyết so với quy định (thời gian rút ngắn trung bình 02 ngày/thủ tục so với quy định); 100% thủ tục hành chính được thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, trong đó có 01 thủ tục thực hiện theo cơ chế “5 tại chỗ” tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến năm 2022 đạt 76,2%.
Nhận thấy, năm 2022 trong bối cảnh còn nhiều khăn do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh đã đoàn kết, thống nhất, chủ động khắc phục khó khăn, nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao và đạt được những kết quả nổi bật. Ban Quản lý ATTP tỉnh đã chủ động kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, điều hành, triển khai các hoạt động đảm bảo ATTP. Đặc biệt, đã xây dựng và thực hiện hiệu quả các phương án đảm bảo ATTP nhằm đáp ứng phù hợp, hiệu quả với từng cấp độ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động truyền thông về ATTP tiếp tục được đẩy mạnh và đa dạng hóa bằng nhiều hình thức. Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Việc tiếp nhận, xử lý thông tin về ATTP được kịp thời, công tác tham mưu và giải quyết các sự cố về ATTP được nhanh chóng. Công tác hậu kiểm, giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm, xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn thực phẩm được triển khai mạnh mẽ. Trong năm 2022, số mẫu giám sát hậu kiểm tăng gấp 4 lần so với năm 2021, đã kịp thời phát hiện các sản phẩm thực phẩm không an toàn lưu thông trên thị trường. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả, đẩy mạnh giải quyết các thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn tồn tại một số hạn chế như: số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh còn chiếm phần lớn (≈ 86%); một số địa phương có khu, cụm công nghiệp phát triển có các cơ sở nhỏ lẻ kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố tự phát, hoạt động chủ yếu vào ban đêm, chưa có quy hoạch, khó khăn trong quản lý, kiểm soát....
Thời gian tới, để khắc phục những tồn tại, hạn chế từ đó triển khai có hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh tiếp tục chỉ đạo các phòng, đội thuộc Ban làm tốt công tác chuyên môn trong đảm bảo ATTP. Tích cực phối hợp chặt với các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP. Tăng cường đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, giám sát ATTP góp phần hạn chế nguy cơ mất ATTP, ngộ độc thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng./.