Triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm không an toàn” giai đoạn 2022-2025

01/11/2022 15:09 View Count: 197

Ngày 28/10/2022 Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh ban hành Kế hoạch số 498/KH-UBND về thực hiện đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm không an toàn” giai đoạn 2022-2025.


Kế hoạch đặt ra mục tiêu chung là tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm

Kế hoạch đặt ra mục tiêu chung là tiếp tục đẩy mạnh triển khai các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), phòng chống ngộ độc thực phẩm và nâng cao vai trò của các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP; đẩy mạnh quy hoạch và phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; tăng cường kiểm soát chất lượng, nguồn gốc nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm và phát triển chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn; nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong hành vi đảm bảo ATTP của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm.

Qua đó xây dựng mục tiêu và đề ra các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2025 mang tính trọng tâm, trọng điểm như: tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, xác định ý thức trách nhiệm và tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP  đảm bảo 100% người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm người tiêu dùng thường xuyên được tiếp cận các thông tin về ATTP.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông sản an toàn nhằm nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, trong đó: tỷ trọng ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất trồng trọt khoảng 35%, sản xuất chăn nuôi khoảng 48%, sản xuất thủy sản khoảng 50%.  Đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn: đến năm 2025, số lượng chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản an toàn tăng ≥ 150% so với giai đoạn 2017-2021. Phấn đấu đến năm 2025, các sản phẩm thực phẩm được chứng nhận OCOP chiếm khoảng 60% trong tổng số các sản phẩm được chứng nhận OCOP.

Nâng cao tỉ lệ tuân thủ các quy định của pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất ban đầu, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Đảm bảo 90% nông dân trồng rau thực hiện cam kết sản xuất rau an toàn; 80% cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ thực hiện cam kết chăn nuôi an toàn. Đến năm 2025, tăng thêm 01 - 02 điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh; 100% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc ký cam kết đảm bảo ATTP theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, mục tiêu kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, các sản phẩm thực phẩm được lưu thông trên thị trường cũng được chú trọng và đề ra chỉ tiêu triển khai thực hiện 100% sản phẩm thực phẩm đăng ký bản công bố sản phẩm, tự công bố sản phẩm đang lưu thông trên thị trường được thực hiện lấy mẫu kiểm tra đánh giá các chỉ tiêu an toàn về thực phẩm; 100% sản phẩm thực phẩm thuộc diện phải đăng ký nội dung trước khi quảng cáo thực hiện đăng ký theo quy định và được giám sát nội dung quảng cáo; 100% các sản phẩm thực phẩm đã chứng nhận tiêu chuẩn OCOP được thực hiện gắn tem truy xuất nguồn gốc thực phẩm; 100% các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ hàng năm và đến năm 2025, 100% các chợ phù hợp quy hoạch được kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm.

Ngăn ngừa có hiệu quả tình trạng ngộ độc thực phẩm cấp tính và các bệnh truyền qua thực phẩm. Cụ thể, trong giai đoạn 2023 - 2025 giảm 50% số vụ ngộ độc thực phẩm cấp tính từ 30 người mắc trở lên so với trung bình giai đoạn 2018-2022; số vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người mắc ≤ 1; không có tử vong do ngộ độc thực phẩm.

Đặt mục tiêu tiếp tục kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy hệ thống quản lý ATTP từ tỉnh đến xã. Nâng cao vai trò, trách nhiệm, năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp, các ngành, các địa phương về ATTP. Mục tiêu đến năm 2024 kết thúc thí điểm và chính thức thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Đến năm 2025 100% tuyến xã/phường/thị trấn có cán bộ bán chuyên trách làm công tác ATTP.

Theo đó, Kế hoạch cũng xây dựng và triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm triển khai có hiệu quả Đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm không an toàn” giai đoạn 2022-2025 như: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp uỷ, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể đối với công tác đảm bảo ATTP. Tiếp tc kiện toàn và phát huy vai trò của Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác quản ATTP.Tăng cường và phát huy hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể và các cấp chính quyền địa phương trong công tác đảm bảo ATTP.


Chú trọng xây dựng và triển khai các đề án, tiểu đề án, dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy chuẩn kỹ thuật địa phương

Xây dựng, phát triển nguồn thực phẩm an toàn, tích cực triển khai có hiệu quả công tác quy hoạch và xây dựng 6 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, bao gồm: vùng sản xuất lúa chất lượng cao; vùng sản xuất rau, màu an toàn; vùng chăn nuôi (gia súc, gia cầm) tập trung; vùng nuôi cá lồng trên sông; vùng nuôi cá thâm canh, siêu thâm canh trong ao đất đã được phê duyệt tại Kế hoạch 595/KH-UBND ngày 14/9/2021 của UBND tỉnh về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó, đưa ra giải pháp kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Tiếp tục nâng cao năng lực phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm. Tổ chức giám sát các nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm thực phẩm có nguy cơ cao nhằm kịp thời cảnh báo về nguy cơ mất ATTP, định kỳ hằng năm tại mỗi vùng trồng rau an toàn thực hiện đánh giá chất lượng tối thiểu 20 mẫu nông sản thực phẩm. Hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân chủ động áp dụng truy xuất nguồn gốc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; Tăng cường, đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng trong đảm bảo ATTP.

Chú trọng xây dựng và triển khai các đề án, tiểu đề án, dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy chuẩn kỹ thuật địa phương. Cụ thể, tiếp tục duy trì 07 đề án, tiểu đề án giai đoạn 2017-2021 và xây dựng, triển khai 05 dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được phê duyệt theo Kế hoạch 595/KH-UBND ngày 14/9/2021 của UBND tỉnh về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa giai đoạn 2021-2025; Xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật địa phương đối với sản phẩm thực phẩm đặc trưng của địa phương và các đề án ATTP.

Để Kế hoạch thực hiện Đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm không an toàn” giai đoạn 2022-2025 được triển khai có hiệu quả, Ủy ban nhân nhân tỉnh giao Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành triển khai thực hiện kế hoạch trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch báo cáo Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh và UBND tỉnh; Giao các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch theo đúng chức năng nhiệm vụ của đơn vị./.

Việt Phương