Tiếp tục triển khai thực hiện đề án “Kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”
Năm 2024, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện đề án “Kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tại các chợ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh” với các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao nhận thức và tăng cường trách nhiệm, năng lực quản lý cho nhân viên Ban quản lý chợ, các doanh nghiệp kinh doanh chợ trong việc quản lý, hướng dẫn, giám sát về an toàn thực phẩm, nguồn gốc thực phẩm, cũng như nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành các quy định của nhà nước về đảm bảo an toàn thực phẩm của các tiểu thương tại các chợ tham gia đề án, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh.
Thực hiện Đề án, năm 2023 Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh đã phối hợp lựa chọn 16 chợ tham gia đề án trên địa bàn 8 huyện, thị xã, thành phố; tiến hành xây dựng các biểu mẫu, hướng dẫn thực hiện kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tại các chợ; hướng dẫn áp dụng bảng kiểm kiểm soát nguồn gốc thực phẩm…Năm 2024, Ban Quản lý ATTP tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện kiểm soát an toàn thực phẩm đối với 31 chợ đã lựa chọn và tham gia đề án trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, để thực hiện hiệu quả Đề án, Ban Quản lý ATTP tỉnh đề ra các giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế. Trong đó, tập trung hướng dẫn áp dụng bảng kiểm kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tại các chợ tham gia đề án theo kế hoạch đã ban hành; Cấp phát sổ tay hướng dẫn theo dõi, lưu trữ nguồn gốc thực phẩm cho các tiểu thương kinh doanh thực phẩm cố định tại 31 chợ tham gia đề án; Cấp phát sổ tay hướng dẫn theo dõi, lưu trữ nguồn gốc thực phẩm cho các tiểu thương kinh doanh thực phẩm cố định tại 31 chợ tham gia đề án. Đồng thời, cấp phát biển hiệu “gian hàng kiểm soát nguồn gốc thực phẩm” cho các tiểu thương kinh doanh thực phẩm cố định tại các chợ tham gia đề án đã được đánh giá đạt theo bảng kiểm kiểm soát nguồn gốc thực phẩm; cấp phát biển tên “đã khai báo nguồn gốc” nhằm kiểm soát việc khai báo nguồn gốc thực phẩm đối với các tiểu thương kinh doanh thực phẩm không cố định tại các chợ thực hiện ký cam kết kiểm soát nguồn gốc và an toàn thực phẩm.
Chợ Phố Mới (thị xã Quế Võ)
Ban Quản lý ATTP tỉnh cũng tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông về an toàn thực phẩm; Lồng ghép các nội dung tuyên truyền kiểm soát nguồn gốc thực phẩm với hoạt động truyền thông đảm bảo an toàn thực phẩm đã được phê duyệt trên địa bàn tỉnh. Tổ chức hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý chợ, lồng ghép với các đợt đánh giá tiểu thương, đánh giá chợ kiểm soát nguồn gốc thực phẩm như: hướng dẫn, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về về an toàn thực phẩm, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm cho cán bộ, nhân viên Ban quản lý, tổ quản lý, doanh nghiệp quản lý chợ; Hướng dẫn kỹ thuật sử dụng test nhanh an toàn thực phẩm cho cán bộ, nhân viên Ban quản lý, tổ quản lý chợ đã được cấp chứng chỉ test nhanh. Đồng thời, tập huấn cho các tiểu tương kinh doanh thực phẩm các chợ kiến thức về kiểm soát nguồn gốc thực phẩm hướng dẫn sử dụng, ghi chép và lưu trữ sổ theo dõi nguồn gốc thực phẩm. Vận động các tiểu thương kinh doanh thực phẩm tại chợ trên địa bàn ký cam kết không kinh doanh hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ. In và treo biển “chợ kiểm soát nguồn gốc thực phẩm”, biển hiệu tại các gian hàng, quầy hàng được đánh giá đạt các tiêu chí theo bảng kiểm kiểm soát nguồn gốc tại các chợ tham gia đề án.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát; Các đơn vị trực tiếp quản lý chợ (Ban quản lý, tổ quản lý, doanh nghiệp quản lý chợ) có trách nhiệm giám sát hàng ngày nguồn gốc thực phẩm đưa vào kinh doanh tại chợ để kịp thời thông tin, phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xử lý các hành vi vi phạm theo quy định. Trong đó, tập trung kiểm tra, giám sát và đôn đốc các tiểu thương kinh doanh thực phẩm cố định không thực hiện ghi chép, lưu trữ thông tin về nguồn gốc thực phẩm thường xuyên. Báo cáo UBND xã, phường, thị trấn để có biện pháp thu hồi biển hiệu “gian hàng kiểm soát nguồn gốc” nếu vi phạm quá 03 lần. Đối với các tiểu thương kinh doanh không cố định thực hiện kí cam kết kiểm soát nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm. Thực hiện khai báo nguồn gốc và cấp phát biển tên “đã khai báo nguồn gốc” hàng ngày và thu hồi biển tên vào cuối ngày. Kiên quyết không cho các tiểu thương kinh doanh thực phẩm không thực hiện kiểm soát nguồn gốc thực phẩm kinh doanh trong chợ. Định kì test nhanh sản phẩm thực phẩm bày bán tại chợ (dự kiến 20 test/tháng). Đối với các sản phẩm test nhanh không đạt yêu cầu báo cáo đến Đội Thanh tra, quản lý ATTP trên địa bàn và UBND tuyến xã, phường, thị trấn để có hướng xử lý. UBND xã, phường, thị trấn thành lập các đoàn thanh, kiểm tra thường xuyên tiến hành thanh, kiểm tra, giám sát các việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm tại chợ trên địa bàn. Bao gồm các quy định về điều kiện sức khỏe, kiến thức, thực hành của các tiểu thương kinh doanh thực phẩm. Công khai các hành vi vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo nguy cơ cho người tiêu dùng.
Tập huấn kỹ năng làm xét nghiệm nhanh về an toàn thực phẩm cho cán bộ quản lý ATTP tại các chợ trên địa bàn tỉnh
Để thực hiện hiệu quả các nội dung Đề án, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh cũng chỉ đạo các phòng chuyên môn xây dựng khung tài liệu tập huấn về an toàn thực phẩm, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm cho cán bộ, nhân viên ban quản lý, tổ quản lý chợ, doanh nghiệp quản lý chợ và tiểu thương kinh doanh thực phẩm tại chợ. Tham mưu xây dựng ứng dụng quản lý cơ sở, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, sổ theo dõi nguồn gốc điện tử cho các tiểu thương kinh doanh thực phẩm tại chợ. Tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn thực phẩm. Chỉ đạo các Đội TT- QLATTP phối hợp UBND xã/phường/thị trấn thực hiện đánh giá tiểu thương kinh doanh thực phẩm cố định và đánh giá chợ kiểm soát nguồn gốc thực phẩm theo bảng kiểm. Tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ chuyên môn, tập huấn kiến thức về ATTP, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm; hướng dẫn thực hiện test nhanh an toàn thực phẩm cho cán bộ, nhân viên Ban Quản lý, tổ quản lý, doanh nghiệp quản lý chợ…Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn duy trì và triển khai thực hiện đề án kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tại các chợ được lựa chọn tham gia trên địa bàn. Chỉ đạo kiện toàn ban quản lý, tổ quản lý chợ; chỉ đạo giải tỏa các tụ điểm chợ cóc, chợ tạm chiếm dụng lòng đường, vỉa hè không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn. Dẹp bỏ các tụ điểm họp chợ lấn chiếm lòng, lề đường và hành lang an toàn giao thông, hành lang an toàn lưới điện và các mặt bằng công cộng khác không phù hợp với quy hoạch…Đối với các đơn vị quản lý chợ, xây dựng Nội quy chợ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong đó có quy định về việc đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm kinh doanh tại chợ. Tổ chức quản lý, thực hiện kinh doanh trong chợ theo đúng nội quy. Thành lập các điểm kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ tham gia đề án. Vận động, tuyên truyền các tiểu thương kinh doanh thực phẩm tại các chợ tham gia các lớp tập huấn và các nhiệm vụ khác được giao. Thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ hàng hóa trước khi đưa vào chợ, có phân công các đội bảo vệ giám sát chặt chẽ, tập trung vào các ngành hàng có nguy cơ cao: dịch vụ ăn uống, thịt, cá, các sản phẩm từ thịt, sản phẩm bao gói…; nhắc nhở các tiểu thương kinh doanh thực phẩm cố định thực hiện ghi chép, lưu trữ thông tin về nguồn gốc thực phẩm thường xuyên.....
Với các giải pháp đặt ra trong triển khai thực hiện Đề án, phấn đấu 100% cán bộ quản lý chợ được hướng dẫn phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và hướng dẫn kiểm soát nguồn gốc thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tại các chợ. Cán bộ quản lý chợ được đào tạo, cấp chứng chỉ test nhanh an toàn thực phẩm phục vụ cho công tác giám sát, kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ Thực phẩm kinh doanh tại chợ kiểm soát nguồn gốc thực phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng. 100% tiểu thương kinh doanh thực phẩm cố định được đánh giá thực hiện kiểm soát nguồn gốc thực phẩm tại các chợ thực hiện lưu trữ thông tin về nguồn gốc thực phẩm. 100% tiểu thương kinh doanh thực phẩm cố định tại các chợ kiểm soát nguồn gốc thực phẩm được tập huấn kiến thức đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm soát nguồn gốc thực phẩm và được gắn mã QR truy xuất các thông tin về an toàn thực phẩm bao gồm thông tin cơ sở, ngày kí cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, ngày tập huấn…(nếu có). 100% tiểu thương kinh doanh thực phẩm cố định trong chợ kiểm soát nguồn gốc thực phẩm kí cam kết thực hiện đúng quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. 80% tiểu thương kinh doanh thực phẩm không thường xuyên tại các chợ được kí cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm và kiểm soát nguồn gốc thực phẩm kinh doanh…