Bắc Ninh tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới

15/07/2021 10:27 View Count: 540

Những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, Bắc Ninh đã tập trung quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ngay sau khi Chỉ thị 08-CT/TW được ban hành, các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch, chương trình hành động cụ thể của ngành mình, cấp mình. Trong 10 năm qua, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và các huyện, thị, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc đã ban hành gần 600 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW và Kết luận 11-KL/TW của Ban Bí thư. Ngoài ra, các địa phương, đơn vị cũng chỉ đạo đẩy mạnh truyên truyền triển khai thực hiện; xây dựng chuyên mục tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đai chúng; đảng bộ, chi bộ cơ sở cũng ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề về ATTP...Các cấp uỷ đảng từ tỉnh đến cơ sở đã đưa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị vào chương trình kiểm tra, giám sát hàng năm của cấp uỷ. Nổi bật, năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã thành lập 02  đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn thực phẩm; 8/8 huyện, thị, thành uỷ cũng thành lập đoàn giám sát tại cơ sở, qua đó kịp thời phát hiện những hạn chế, vướng mắc từ cơ sở và đề xuất chủ trương, giải pháp triển khai thực hiện. Tỉnh cũng ban hành các chủ trương, chính sách đúng đắn, nêu cao vai trò chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, thu hút sự tham gia tích cực của các ngành, đoàn thể và tầng lớp nhân dân trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.

Từ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, việc thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cấp uỷ, chính quyền, các ngành, đoàn thể đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao vai trò, trách nhiệm đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm; hàng năm đưa tiêu chí về ATTP vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đơn vị; là một nội dung trong xây dựng nông thôn mới, tiêu chí để bình xét gia đình, khu dân cư, cơ quan, đơn vị văn hoá... Thường xuyên đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong 10 năm qua, đã tổ chức được 4.353 hội thảo, toạ đàm, tập huấn; tuyên truyền gần 225.000 tin, bài trên phương tiện thông tin đại chúng; treo 8.612 băng zôn, khẩu hiệu; cấp phát 4.245.336 tờ rơi, tranh áp phích; cấp phát 320 sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ tuyến xã; gửi 251.171 lượt tin nhắn tới các hộ gia đình, 1.352 lượt tuyên tuyền qua màn hình Led; truyền thông qua mạng xã hội tiếp cận được 10 triệu lượt người theo dõi...Ngoài ra, các ngành, đoàn thể cũng triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

Trong 10 năm qua, toàn tỉnh tổ chức 49.540 lượt thanh tra, kiểm tra, chuyên ngành,liên ngành và đột xuất về an toàn thực phẩm

Điểm nổi bật sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW ở Bắc Ninh đó là tổ chức bộ máy, nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm được kiện toàn. Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động tháng 4/2018 đã thống nhất đầu mối, nâng tầm công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; lồng ghép các nguồn lực trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở, doanh nghiệp trong quản lý và giải quyết các thủ tục hành chính; mô hình tổ chức Đội Thanh tra- Quản lý An toàn thực phẩm tại các huyện, thị xã, thành phố đã tạo mạng lưới quản lý rộng, toàn diện và trực tiếp tại địa phương. Ngoài ra, các cơ chế, chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn thực phẩm được hoàn thiện; công tác phối hợp liên ngành được chú trọng thực hiện xuyên suốt từ tỉnh tới cơ sở; công tác giám sát tại các lễ hội sự kiện, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm được thực hiện thường xuyên. Trong 10 năm qua, đã tổ chức 49.540 lượt thanh tra, kiểm tra, chuyên ngành, liên ngành và đột xuất; tiến hành xử phạt 1.483 cơ sở vi phạm với số tiền phạt hơn 3,5 tỷ đồng. Tiến hành lấy 73.748 mẫu kiểm nghiệm, test nhanh các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, qua đó kịp thời phát hiện và đưa ra các biện pháp ngăn chặn, không để thực phẩm không đảm bảo an toàn lưu thông trên thị trường, giảm thiểu các sự cố về an toàn thực phẩm. Trong 10 năm qua, toàn tỉnh xảy ra 40 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.909 người mắc, 01 người tử vong; trong đó giai đoạn 2017-2021 số vụ, số lượng người mắc giảm nhiều so với giai đoạn 2012-2016 và không có trường hợp tử vong.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc quán triệt, thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW và Kết luận 11-KL/TW ở một số cấp uỷ đảng, chính quyền cơ sở còn mang tính hình thức; công tác kiểm nghiệm chất lượng an toàn thực phẩm chủ yếu là xét nghiệm cơ bản: test nhanh, hoá chất, trang thiết bị, phương tiện để xét nghiệm còn hạn chế; công tác thanh kiểm tra chưa toàn diện, một số lĩnh vực chưa được kiểm tra, tỷ lệ xử lý trong kiểm tra, thanh tra còn thấp; đội ngũ cán bộ phụ trách công tác ATTP tại cơ sở đa phần là kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi, chưa được đào tạo bài bản....

Thời gian tới, Bắc Ninh tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 08-CT/TW của Ban Bí thư và các văn bản về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Tăng cường công tác phối hợp giữa Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh với các Sở, ban, ngành liên quan trong tuyên truyền, giáo dục nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của người sản xuất, người tiêu dùng và toàn xã hội trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm. Chú trọng quy hoạch phát triển vùng sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, hỗ trợ kỹ thuật cho các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình OCOP; xây dựng, phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, chuỗi cửa hàng tiện ích. Tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp tiên tiến trong quản lý an toàn thực phẩm. Phát hiện kịp thời, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với thực phẩm không đảm bảo an toàn.

Có thể khẳng định, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình mới, nhận thức, vai trò trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, MTTQ, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh được nâng lên. Hệ thống quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm hoạt động đồng bộ, phối hợp chặt chẽ từ tỉnh đến cơ sở. Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm... qua đó góp phần quan trọng vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân./.

Nguyễn Thanh Bình - Phó Trưởng ban