Quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh
Những năm qua, công tác quản lý chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản được Bắc Ninh triển khai bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Các ngành chức năng, các địa phương đã có sự phối hợp chặt chẽ trong hỗ trợ kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cũng như tăng cường giám sát chất lượng; thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành về chất lượng an toàn thực phẩm…góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Nhằm nâng cao công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, các hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, thông tin, truyền thông về chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến nông, lâm, thủy sản được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Theo đó, Ban Quản lý ATTP tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tập trung tuyên truyền thông qua các lớp tập huấn, băng zôn, khẩu hiệu, qua hệ thống thông tin đại chúng, truyền thông qua mạng xã hội...với các nội dung về bảo đảm an toàn thực phẩm; phổ biến một số văn bản quy phạm pháp luật mới trong sản xuất chăn nuôi; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh; phổ biến kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, các quy trình thực hành chăn nuôi tốt; các văn bản quy phạm pháp trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản... Thông qua các hoạt động tuyên truyền đã lồng ghép các nội dung liên quan đến lĩnh vực ATTP góp phần nâng cao nhận thức của người sản xuất trồng trọt, cơ sở buôn bán và người sử dụng vật tư giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV về an toàn thực phẩm trong sản xuất nông sản. Nâng cao hiểu biết, niềm tin của người tiêu dùng trong lựa chọn và tiêu thụ các sản phẩm nông lâm thủy sản được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và được chứng nhận, xác nhận an toàn.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ gắn liền với an toàn thực phẩm được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm đối với phát triển nông nghiệp của tỉnh. Các địa phương, đơn vị cũng chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; thường xuyên tuyên truyền, khuyến khích hình thành vùng sản xuất tập trung, sản xuất an toàn đạt tiêu chuẩn VietGap, sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Toàn tỉnh hình thành 2.441 vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, quy mô từ 3 ha trở lên; 270 vùng trồng rau, màu chuyên canh quy mô từ 2 ha trở lên; 94 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, quy mô từ 1 ha trở lên; có 670 trang trại chăn nuôi; 895 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; 173 hộ nuôi cá lồng trên sông và trên 9.000 hộ nuôi trồng thủy sản trong ao.
Lãnh đạo Ban Quản lý ATTP tỉnh thăm tại HTX Nông nghiệp sạch Phú Thịnh (Gia Bình)
Trong năm, Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương hướng dẫn xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm nông lâm thủy sản của tỉnh tạo cơ hội cho các đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh có cơ hội xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm của địa phương. Theo đó, Ban Quản lý ATTP đã hướng dẫn, giám sát và xác nhận 30 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn nâng tổng số lên 97 chuỗi trên địa bàn tỉnh, tăng 167% số lượng chuỗi đã xác nhận năm 2022 với sự tham gia của 21 cơ sở sản xuất ban đầu trong và ngoài tỉnh. Năm 2023, toàn tỉnh có 102 sản phẩm của 40 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình OCOP tăng 59,4 % so với năm 2022. Đến nay, toàn tỉnh đã công nhận được 93 sản phẩm OCOP trong đó 34 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 59 sản phẩm đạt hạng 4 sao.
Hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm nông lâm thủy sản được đẩy mạnh
Công tác giám sát chất lượng, ATTP sản phẩm nông lâm thủy sản là nội dung quan trọng được triển khai thực hiện thường xuyên. Trong năm 2023, Ban Quản lý ATTP tỉnh đã lấy 1.642 mẫu thực phẩm nông sản, thủy sản; trong đó test nhanh 500 mẫu và 1.142 mẫu gửi phòng kiểm nghiệm để phân tích một số chỉ tiêu ATTP; qua kiểm nghiệm có 236 mẫu không đạt chất lượng, không đảm bảo ATTP, chiếm 20,66%; các mẫu kiểm nghiệm vi phạm ATTP, Ban Quản lý ATTP đã gửi thông báo kết quả về cơ sở và yêu cầu cơ sở báo cáo nguyên nhân, hành động khắc phục, truy xuất lô hàng có mẫu bị vi phạm; đồng thời gửi công văn về các cơ quan, đơn vị liên quan để phối hợp quản lý. Các hoạt động giám sát chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, giám sát dịch bệnh trên vật nuôi và động vật thủy sản; giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp được chú trọng. Trong năm, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chuyển mạnh từ thanh tra theo kế hoạch sang thanh tra đột xuất và tập trung vào các công đoạn có nguy cơ cao trong toàn bộ chuỗi ngành hàng như buôn bán vật tư nông nghiệp; sản xuất ban đầu; giết mổ gia súc, gia cầm; sơ chế, chế biến nông sản, thủy sản nhỏ lẻ. Kiên quyết xử lý các cơ sở không đủ điều kiện đảm bảo ATTP theo quy định của pháp luật. Tăng cường thanh tra, kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi …Trong năm 2023, thẩm định điều kiện đảm bảo ATTP tại 167 cơ sở để cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; thẩm định định kỳ tại 154 cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATTP; các huyện, thành phố rà soát, thống kê 2.756 cơ sở sản xuất, ký cam kết với 2.756 cơ sở; số cơ sở được kiểm tra 2.531, có 62 cơ sở chưa đạt yêu cầu, các địa phương đã nhắc nhở, yêu cầu các cơ sở nghiêm túc chấp hành nội dung cam kết.
Năm 2023, Ban Quản lý ATTP tỉnh thực hiện 05 cuộc kiểm tra chuyên ngành, hậu kiểm về việc tuân thủ các quy định về ATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tiến hành kiểm tra 21 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn, tiến hành kiểm tra, hậu kiểm, lấy mẫu tại 09 cơ sở. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh tiến hành 6 cuộc thanh tra kiểm tra đối với 125 cơ sở; thực hiện kiểm soát giết mổ tại 01 cơ sở giết mổ lợn đủ điều kiện và 01 cơ sở giết mổ gia cầm tập trung. Ngoài ra, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh phối hợp với Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra 112 phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật ra vào tỉnh Bắc Ninh; kiểm tra và xử lý 01 phương tiện vận chuyển vi phạm.
Với những giải pháp thiết thực được triển khai, đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh./.