Kết quả kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm 6 tháng đầu năm 2024
Thời gian qua, công tác kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm được Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh tăng cường nhằm kịp thời phát hiện sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn, các cơ sở có tồn tại vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Từ đó góp phần tăng cường bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm.
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra cơ sở trong tháng thành động vì ATTP năm 2024
Trong 06 tháng đầu năm 2024, công tác kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm tiếp tục được Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh triển khai mạnh mẽ, quyết liệt theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt; đặc biệt vào các dịp cao điểm trong năm như: Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm… Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm các cấp đã xây dựng, triển khai kế hoạch và thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn theo đúng chỉ đạo của cấp trên, các văn bản về công tác an toàn thực phẩm được triển khai kịp thời, đầy đủ. Ban chỉ đạo liên ngành tuyến huyện phát huy tốt vai trò tham mưu UBND cấp huyện trong công tác ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn. Công tác chỉ đạo tuyến xã, phường, thị trấn được các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt, bám sát nội dung hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên.
Các hoạt động truyền thông được đẩy mạnh
Thực hiện công tác kiểm tra, hậu kiểm, Ban Quản lý ATTP tỉnh cũng chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật và điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân và các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tích cực, chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình kiểm tra, hậu kiểm cũng kết hợp tuyên truyền Luật An toàn thực phẩm để người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm hiểu và làm đúng theo Luật An toàn thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm rau và thịt được sử dụng là các sản phẩm chính hàng ngày giúp người tiêu dùng sáng suốt lựa chọn các sản phẩm thực phẩm đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã thành lập được 266 đoàn kiểm tra, hậu kiểm về ATTP, tiến hành kiểm tra được 1.184 cơ sở, trong đó tỷ lệ cơ sở đạt chiếm 87%; tiến hành xử lý 22 cơ sở vi phạm với số tiền trên 124 triệu đồng, tịch thu, tiêu hủy 01 sản phẩm; tiến hành kiểm tra đột xuất 02 cơ sở, 02 cơ sở đều chấp hành quy định của pháp luật, không tiến hành xử phạt. Qua kiểm tra cho thấy, nhận thức, ý thức thực hành của người tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trong việc tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có vi phạm trong quá trình kiểm tra đã được các đoàn kiểm tra xử lý kịp thời, đúng quy định…. Các lỗi vi phạm được tiến hành xử phạt liên quan như: Thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn, sổ kiểm thực 03 bước trong chế biến suất ăn công nghiệp; buôn bán sản phẩm thực phẩm thuộc diện tự công bố sản phẩm nhưng không có hồ sơ tự công bố theo quy định; bảo quản thực phẩm không đúng quy định; buôn bán thực phẩm có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; cống rãnh thoát nước thải khu vực nhà bếp bị ứ đọng, không được che kín; thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 03 bước và lưu mẫu thức ăn; chế biến thực phẩm trên thiết bị không đảm bảo vệ sinh; Nơi chế biến có có trùng và động vật gây hại xâm nhập…
Việc thực hiện công tác kiểm tra, hậu kiểm được triển khai theo kế hoạch được phê duyệt, đúng hướng dẫn tại các văn bản của tỉnh; tuy nhiên trên địa bàn tỉnh có rất nhiều cơ sở mới đăng ký hoạt động trong năm, cơ sở cung cấp suất ăn với số lượng lớn trên địa bàn tỉnh nhưng không được phê duyệt trong danh sách được thanh tra, kiểm tra nên khó khăn trong việc đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các đơn vị này dẫn đến tỷ lệ cơ sở được kiểm tra so với số cơ sở được quản lý trên địa bàn còn thấp. Hoạt động quản lý an toàn thực phẩm ở cấp xã, phường còn hạn chế; một số nơi chính quyền cơ sở chưa chủ động vào cuộc thực hiện công tác kiểm tra quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn. Đội ngũ cán bộ làm công tác an toàn thực phẩm tại cấp xã còn hạn chế về chuyên môn, thiếu về số lượng, các cán bộ còn kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ chuyên môn. Một số cơ sở tiến hành Tự công bố sản phẩm tại Bắc Ninh nhưng thực tế đi kiểm tra cơ sở không sản xuất, không kinh doanh chỉ là văn phòng đại diện của cơ sở hoặc có sản xuất, kinh doanh nhưng số lượng sản phẩm rất ít so với số lượng hồ sơ công bố/tự công bố đã nộp lên Ban Quản lý An toàn thực phẩm dẫn đến khó khăn trong việc quản lý các sản phẩm sau công bố của cơ quan quản lý. Ý thức của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ còn hạn chế: dụng cụ dùng cho sơ chế, chế biến; ý thức vệ sinh còn kém. Kiểm tra các cơ sở thức ăn đường phố nhỏ lẻ buổi tối còn khó khăn do số lượng các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố nhiều, thời gian hoạt động thường vào các khung giờ chiều, tối, đêm khiến công tác quản lý gặp nhiều khó khăn…
Công tác kiểm tra, hậu kiểm là một trong những nội dung quan trọng của công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra, hậu kiểm đã góp phần tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP ở các cấp. Đồng thời, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về ATTP, hạn chế ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới. Thông qua kiểm tra, hậu kiểm, tỉnh cũng đánh giá được việc chấp hành pháp luật về ATTP của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt là bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn và ATTP tại các lễ hội, sự kiện lớn, kinh doanh thức ăn đường phố; kiểm soát hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm và kiểm soát quảng cáo thực phẩm... Trên cơ sở đó, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện đảm bảo ATTP đúng theo quy định của pháp luật và định hướng giải pháp quản lý./.