Từ Sơn phấn đấu không còn thực phẩm không an toàn
Thực hiện Đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm không an toàn” giai đoạn 2022-2025, thành phố Từ Sơn đã xây dựng kế hoạch với các mục tiêu, giải pháp cụ thể; trong đó chú trọng xây dựng, phát triển nguồn thực phẩm an toàn; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân chủ động áp dụng truy xuất nguồn gốc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm…nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), phòng chống ngộ độc thực phẩm và nâng cao vai trò của các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP.
Công tác thanh tra, kiểm tra ATTP trên địa bàn thành phố được đẩy mạnh
Nhìn lại 5 năm thực hiện Đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm bẩn”, công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Từ Sơn đã có những chuyển biến tích cực. Hệ thống quản lý nhà nước về ATTP được củng cố, điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động được ưu tiên đầu tư. Các hoạt động tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt; nhận thức của người dân, doanh nghiệp về an toàn thực phẩm được nâng cao. Hiện tại, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP thành phố và các phường được kiện toàn theo quy định; 12/12 phường trên địa bàn có cộng tác viên ATTP. Công tác tuyên truyền về ATTP được đổi mới bằng nhiều hình thức và tập trung vào các đợt cao điểm: Tết nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP, tết trung thu…Trong 5 năm qua, toàn thành phố đã có 334 cơ sở được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện; 754 cơ sở ký cam kết bảo đảm ATTP; tổ chức 72 lớp tập huấn kiến thức ATTP cho 473 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố với 3.218 lượt người tham dự. Đoàn liên ngành thành phố và các phường đã kiểm tra 906 lượt cơ sở, xử phạt vi phạm hành chính 17 cơ sở với số tiền gần 60 triệu đồng. Đội TT- QLATTP huyện Tiên Du và thành phố Từ Sơn phối hợp với các cơ quan, đơn vị, UBND các phường tổ chức nhiều kiểm tra chuyên ngành, hậu kiểm về ATTP; tổ chức 13 đợt kiểm tra, giám sát về ATTP tại 272 lượt cơ sở bếp ăn tập thể công ty, trường học, cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố, xử phạt 03 cơ sở vi phạm với số tiền 62 triệu đồng….Trên địa bàn thành phố đã xây dựng được mô hình tuyến bộ an toàn thực phẩm có kiểm soát tại tuyến phố Tô Hiến Thành; triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý…Giai đoạn 2018-2022 trên địa bàn không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm đông người nào.
Tiếp tục đa dạng hóa công tác tuyên truyền về an toàn thực phẩm
Thành phố Từ Sơn hiện có 1.431 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; trong đó 746 cơ sở thuộc lĩnh vực y tế, 539 cơ sở thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 146 cơ sở thuộc lĩnh vực công thương. Thực hiện Đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm không an toàn” giai đoạn 2022-2025; trong đó mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025, số lượng các sản phẩm thực phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP tăng tối thiểu 60% (tăng thêm 04 sản phẩm) so với giai đoạn 2018-2022 (Đến nay trên địa bàn thành phố Từ Sơn có 07 sản phẩm đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP). 100% cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc ký cam kết đảm bảo ATTP theo quy định của pháp luật. 100% sản phẩm thực phẩm đăng ký bản công bố sản phẩm, tự công bố sản phẩm đang lưu thông trên thị trường được được kiểm soát. 100% các sản phẩm thực phẩm đã chứng nhận tiêu chuẩn OCOP được thực hiện gắn tem truy xuất nguồn gốc thực phẩm. 100% các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm được thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ hàng năm. 100% các chợ phù hợp quy hoạch được kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm.
Để thực hiện các mục tiêu này, thành phố Từ Sơn sẽ tiếp tục kiện toàn và phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công quản lý ATTP. Đa dạng hóa các hình thức thông tin truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý các cấp, người sản xuất, người tiêu dùng thực phẩm, phát huy vai trò tham gia giám sát của MTTQ và tổ chức chính trị xã hội các cấp về thực hiện các quy định về ATTP. Tập trung công tác đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể khu, cụm CN, trường học, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho các bếp ăn tập thể trường học. Tăng cường công tác quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình; Tiếp tục đánh giá thực trạng và triển khai mô hình chợ bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn, quy hoạch các vùng chăn nuôi, nuôi trồng tập trung, triển khai hiệu quả mô hình đường phố đảm bảo ATTP. Đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng sản phẩm thực phẩm; Nâng cao tỷ lệ cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP và ký cam kết đảm bảo ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên phạm vi toàn thành phố. Tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc thực phẩm đối với các sản phẩm có nguy cơ như: rau, củ, quả, thủy, hải sản tươi sống, thịt gia súc, gia cầm, rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo... lưu thông trên thị trường. Phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về chống hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại, hàng không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các hộ tiểu thương tại các chợ, siêu thị. Triển khai thực hiện tiêu chí chợ, siêu thị đảm bảo ATTP trên địa bàn thành phố; nhân rộng mô hình chợ truyền thống đảm bảo ATTP. Xây dựng chuỗi cửa hàng giới thiệu và bán thực phẩm an toàn của hội viên, nông dân trong toàn thành phố. Xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; thúc đẩy áp dụng rộng rãi mô hình VietGap và hình thành chuỗi hệ thống phân phối thực phẩm an toàn; kết nối người tiêu dùng với thực phẩm an toàn. Đẩy mạnh công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, giám sát mối nguy, phát hiện, cảnh báo sớm nguy cơ, cảnh báo phòng chống ngộ độc thực phẩm cho cộng đồng; phát hiện sớm, điều tra, xử lý quyết liệt, đồng bộ để giảm thiểu các vụ ngộ độc thực phẩm. Tăng cường kiểm soát để giảm thiểu các vụ ngộ độc thực phẩm tại khu công nghiệp, trường học, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố. Tăng cường đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ tham gia công tác đảm bảo ATTP cho cán bộ chuyên trách ATTP cấp phường và mạng lưới cộng tác viên ATTP tại các khu phố trên địa bàn toàn thành phố. Hỗ trợ trang thiết bị kiểm tra nhanh cho các tổ chức, cá nhân quản lý chợ nhằm phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm về chất lượng an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở, hộ gia đình, các cá nhân tuân thủ các quy định để đảm bảo ATTP trong các khâu sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, các bữa cỗ gia đình, các khu du lịch, lễ hội... Thường xuyên thực hiện kiểm tra, giám sát để xác định lượng tồn dư hóa chất độc hại trong nông sản, thủy sản, thực phẩm. Kiểm soát chặt chẽ các địa điểm giết mổ gia súc, gia cầm, kiên quyết xử lý các cơ sở giết mổ tự phát, không đảm bảo điều kiện ATTP. Kiểm tra việc thực hiện các quy định đảm bảo điều kiện ATTP trong toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh và lưu thông sản phẩm. Tăng cường giám sát các mối nguy ô nhiễm thực phẩm; Định kỳ đánh giá thực trạng ô nhiễm vi sinh vật và tồn dư hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong rau, thịt gia súc gia cầm, thủy hải sản. Định kỳ lấy mẫu giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm thực hiện cảnh báo kịp thời các nhóm thực phẩm có nguy cơ. Đẩy mạnh các hoạt động thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật…