Lương Tài chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp cao
Trong những năm qua, huyện Lương Tài luôn chú trọng phát huy tiềm năng, lợi thế của đơn vị, địa phương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; tập trung tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết, tích tụ ruộng đất; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, các sản phẩm OCOP....từng bước hướng đến nông nghiệp thông minh gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nông nghiệp.
Để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, huyện đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp tại địa phương; huy động mọi nguồn lực nâng cao chất lượng các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương, đường giao thông,... phục vụ tốt cho sản xuất; chú trọng công tác tập huấn, cung ứng giống, hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thuốc diệt chuột; tăng cường đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất như: Làm đất, gieo cấy, tưới, tiêu, chăm sóc, thu hoạch,... đã giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất cây trồng, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, huyện khuyến khích các doanh nghiệp, hộ dân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là đầu tư ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường;...
Đẩy mạnh phát triển các mô hình trồng trọt ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Lương Tài
Năm 2023, toàn huyện đã gieo trồng được 11.471 ha; năng suất lúa bình quân 2 vụ đạt 65,2 tạ/ha; sản lượng lúa đạt 57.206 tấn; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa được 27,72 ha; nâng tổng số diện tích chuyển đổi đến nay là 373,1 ha, trong đó, chuyển sang rau màu, cây ăn quả tập trung: 273,14 ha; lúa - cá tập trung: 99,96 ha. Thực hiện vùng sản xuất lúa tập trung ứng dụng công nghệ cao với diện tích 40 ha tại xã Phú Hòa áp dụng sản xuất giống lúa năng suất, chất lượng cao VNR20, TBR225, Bắc Thơm số 7, thực hiện đồng bộ hóa từ các khâu: Làm đất, thu hoạch bằng máy, sử dụng phun thuốc trừ sâu bằng máy bay không người lái, sử dụng phân hữu cơ; thực hiện vùng sản xuất cây trồng có giá trị kinh tế cao tập trung (vùng rau, màu) ứng dụng công nghệ cao với diện tích 8,4 ha tại xã Mỹ Hương áp dụng sản xuất giống cà rốt, dưa hấu, thực hiện đồng bộ hóa từ các khâu: Làm đất, ép luống, gieo hạt bằng máy, sử dụng phun thuốc trừ sâu bằng 126 máy bay không người lái, sử dung phân bón hữu cơ, thuốc sinh học, áp dụng hệ thống tưới phun bán tự động. Hiện nay, toàn huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất lúa năng suất, chất lượng cao; nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: Tỏi, cà rốt, ớt; các mô hình trồng trọt ứng dụng công nghệ cao áp dụng gieo trồng trong nhà lưới, nhà màng, áp dụng hệ thống tưới phun tự động, sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, VietGAP như: Trồng tía tô trong nhà màng tại xã Lâm Thao; sản xuất rau măng tây xanh, cà rốt, dưa chuột, cà chua trong nhà lưới, nhà màng áp dụng theo quy trình VietGAP tại xã Minh Tân; trồng cây ăn quả áp dụng hệ thống tưới phun tự động tại xã Quảng Phú; trồng hoa, cây cảnh có giá trị kinh tế cao trong nhà lưới, nhà màng tại xã Phú Hoà;... Thu hút một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến, liên kết tiêu thụ sản phẩm như: Công ty TNHH Nông nghiệp cao Hồ Gươm, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong, Công ty Cổ phần Agritex, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Vĩnh Cửu, Công ty TNHH Nông sản xanh;… đã và đang có những đóng góp quan trọng vào thúc đẩy phát triển nông nghiệp của huyện. Mặt khác, huyện tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP và một số nông sản thế mạnh của địa phương; năm 2023, huyện Lương Tài có tổng 15 sản phẩm của 07 chủ thể được UBND tỉnh phê duyệt danh mục sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Đi đôi với đó, huyện tập trung chỉ đạo phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư theo hướng an toàn sinh học; hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại, hình thành và nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị; nâng cao chất lượng nuôi, trồng vùng chuyển dịch, vùng bãi ngoài đê, khai thác tốt diện tích mặt nước sông Thái Bình nuôi cá thâm canh có năng suất, chất lượng cao. Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản. Hiện nay, toàn huyện có 22 tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi lợn thịt, gia cầm; đặc biệt hầu hết các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn đã lắp đặt bể Biogas và sử dụng đệm lót sinh học để xử lý phân, nước thải chăn nuôi, góp phần đảm bảo môi trường các khu vực chăn nuôi.
Với việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; năm 2023, sản xuất nông nghiệp của huyện đạt được nhiều kết quả tích cực: Giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện đạt 1.850,502 tỷ đồng (theo giá hiện hành), đạt 117% kế hoạch, bằng 107,1% so với năm 2022; giá trị 1 ha canh tác trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 202,8 triệu đồng/năm, đạt 111% kế hoạch, bằng 101,1% so với năm 2022; giá trị sản xuất thủy sản đạt 785,539 tỷ đồng (theo giá hiện hành), đạt 129,9% kế hoạch, bằng 106,5% so với năm 2022.
Bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện gặp một số khó khăn, hạn chế như: Thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường, không theo quy luật gây khó khăn cho công tác dự báo, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn khó khăn; các vùng, diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong trồng trọt còn thấp; thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân chưa ổn định, phụ thuộc nhiều vào tư thương; sự liên kết của nhà nông và nhà doanh nghiệp còn hạn chế…
Lương Tài đẩy mạnh thực hiện Đề án quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện đến năm 2030 phù hợp với điều kiện, lợi thế từng địa phương.
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trong thời gian tới, huyện Lương Tài tập trung một số giải pháp như: đẩy mạnh thực hiện Đề án quy hoạch khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Lương Tài đến năm 2030 phù hợp với điều kiện, lợi thế từng địa phương. Tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá, tập trung, quy mô lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao; ưu tiên công nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, nông nghiệp sạch, sinh thái, gắn với chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm (OCOP); khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao;.... Phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm chất lượng cao theo hướng tăng dần sản lượng con giống, từng bước đưa sản xuất con giống gia cầm là sản phẩm chủ lực của ngành chăn nuôi, đem lại giá trị gia tăng cao. Phát triển chăn nuôi theo hướng xa khu dân cư, giảm dần và tiến tới xóa bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư; quy hoạch vùng phát triển sản xuất chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; hình thành các khu chăn nuôi tập trung gắn với xây dựng hệ thống các cơ sở giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm soát, khống chế dịch bệnh và xử lý môi trường; đảm bảo ngành chăn nuôi phát triển bền vững, hiệu quả. Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, có định hướng thị trường rõ ràng, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm. Tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương, huy động các nguồn lực xã hội từng bước đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật ngành du lịch, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào địa bàn, xây dựng các khu vui chơi, giải trí, mô hình trải nghiệm nông nghiệp,… Nghiên cứu, xây dựng thí điểm 1-2 mô hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm nông thôn, kết hợp với quảng bá sản phẩm làng nghề, các sản phẩm OCOP; phấn đấu mỗi năm toàn huyện có 3 - 5 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, 05 sản phẩm OCOP đạt 4 sao.....