Tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố

07/08/2023 15:03 View Count: 384

Cùng với quá trình phát triển đô thị, thức ăn đường phố ngày càng phổ biến, tuy nhiên, đây cũng là mặt hàng tiềm ần nhiều mối nguy mất an toàn thực phẩm do hạn chế trong đầu tư cơ sở vật chất, hoạt động mang tính thời vụ. Để bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố, nhiều giải pháp đã được các ngành chức năng triển khai nhằm từng bước quản lý thức ăn đường phố theo quy định của pháp luật, góp phần giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thức phẩm và hạn chế các bệnh truyền qua thực phẩm, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có khoảng 1.500 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, chiếm ≈ 14% tổng số sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Theo phân cấp quản lý, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố thuộc thẩm quyền quản lý của UBND các xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố chủ yếu là tự phát, hoạt động vào ban đêm, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế, ý thức của một số người kinh doanh còn chưa cao…Để đảm bảo an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh chú trọng tổ chức các buổi tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ, thức ăn đường phố; trong đó phổ biến các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; hướng dẫn lựa chọn, bảo quản và chế biến thực phẩm an toàn; phổ biến văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm…Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở trên địa bàn, thường xuyên thống kê, rà soát, lập danh sách các cơ sở kinh doanh trên địa bàn quản lý, kiên quyết xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm, tuyệt đối không để các cơ sở không thực hiện hoặc không đủ các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm hoạt động. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho người kinh doanh về vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm. Tổ chức cho các hộ kinh doanh thức ăn đường phố ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm; thực hiện đúng cam kết trách nhiệm về ATTP trong kinh doanh; đảm bảo sử dụng nguyên liệu trong chế biến có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; sản phẩm chế biến đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm theo quy định; ghi chép đầy đủ việc mua thực phẩm hằng ngày…

 Mặc dù còn khó khăn trong công tác quản lý, kiểm soát mặt hàng thức ăn đường phố, song với việc tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các quy định an toàn thực phẩm trong cộng đồng, nhận thức của người kinh doanh thức ăn đường phố đang ngày một nâng cao, người tiêu dùng cũng yên tâm hơn khi sử dụng. Anh Nguyễn Tùng, phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh cho biết: Do không có nhiều thời gian nấu nướng, anh thường mua thức ăn tại những quầy bán đồ ăn chín ở chợ; việc lựa chọn hoàn toàn bằng cảm quan, nhưng theo anh là khá sạch sẽ, an toàn, bản thân cũng yên tâm khi sử dụng.  


Gian hàng bán đồ ăn chín tại chợ Thị Cầu (thành phố Bắc Ninh)

Chợ Thị Cầu có nhiều gian hàng bán đồ ăn chín, tiện lợi, phục vụ nhu cầu của đông đảo người dân. So với những năm trước đây, người kinh doanh đã chú ý hơn rất nhiều đối với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Hầu hết, người bán hàng bảo hộ đầy đủ, có sử dụng găng tay khi tiếp xúc với đồ ăn để tránh nguy cơ ô nhiễm thực phẩm. Đặc biệt vào mùa hè nắng nóng như thế này, việc bảo quản đồ ăn cũng được quan tâm nhiều hơn. Chị Hoàng Thu Trang, Tiểu thương chợ Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh cho biết: Đồ ăn gia đình chị thường nhập hàng đủ bán trong ngày để đảm bảo an toàn thực phẩm.


Nhiều chợ đã thực hiện phân khu bán hàng thức ăn sống, chín riêng biệt

Thực tế hiện nay, nhu cầu sử dụng đồ ăn chín có bán tại các chợ là rất lớn. Để đảm bảo an toàn thực phẩm, nhiều chợ đã thực hiện phân khu riêng biệt, không để bày bán đồ ăn sống và chín lẫn lộn, bên cạnh đó, ban quản lý các chợ cũng đưa ra cảnh báo và tăng cường các biện pháp an toàn thực phẩm đối với mặt hàng này. Phạm Thị Là, Ban Quản lý chợ Phố Mới, phường Phố Mới, thị xã Quế Võ cho biết thêm: Ban Quản lý chợ thường xuyên nhắc nhở các hộ kinh doanh phải đảm bảo an toàn thực phẩm; hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng khi sử dụng.

Ưu điểm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nhỏ lẻ, thức ăn đường phố là sự tiện lợi đối với người tiêu dùng. Nhưng xét về yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều cơ sở trong lĩnh vực này chưa đáp ứng tiêu chí theo quy định. Bởi vậy, giải pháp cần được tăng cường là tiếp tục làm tốt công tác quản lý, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân; qua đó góp phần giảm thiểu nguy cơ mất an toàn thực phẩm đối với cơ sở ăn uống nhỏ lẻ, thức ăn đường phố.

Phượng Duyên