Bắc Ninh: Phát triển mô hình chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm an toàn, nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm

01/07/2024 11:01 Số lượt xem: 35

Thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã có những chuyển biến tích cực, toàn diện với những con số ấn tượng, nổi bật là từ năm 2021 đến năm 2023, không có vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người mắc, số ca ngộ độc thực phẩm ngày càng giảm rõ rệt. Kết quả này cho thấy, Bắc Ninh đã có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế địa phương; trong đó việc xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn là một trong những giải pháp cốt lõi được địa phương đặc biệt chú trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh.

Bắc Ninh: Phát triển mô hình chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm an toàn, nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm

Lãnh đạo Ban ATTP Bắc Ninh thăm mô hình sản xuất Nông nghiệp công nghệ cao.

Tỉnh Bắc Ninh hiện có hơn 10.600 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm với hơn 10.300 cơ sở, đạt trên 97% được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp có hơn 2.900 cơ sở; bao gồm 432 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, 506 cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện ATTP và tương đương, 1.996 cơ sở thực hiện ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm.

Toàn tỉnh Bắc Ninh có 2.441 vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, quy mô từ 3 ha trở lên, với tổng diện tích là 11.449ha; 270 vùng trồng rau, màu chuyên canh quy mô từ 2ha trở lên và có 94 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, quy mô từ 1ha trở lên; có 98 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Ngoài ra, toàn tỉnh có 670 trang trại chăn nuôi. Trong đó, trang trại quy mô lớn là 44 trang trại, quy mô vừa là 118 trang trại; quy mô nhỏ là 508 trang trại; quy mô chăn nuôi nông hộ là 43.226 hộ. Trên địa bàn tỉnh có 173 hộ nuôi cá lồng trên sông và trên 9.000 hộ nuôi trồng thủy sản trong ao. Diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 4.787,8ha.

Xác định công tác đảm bảo ATTP có vai trò quan trọng không chỉ nâng cao chất lượng sống của nhân dân mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế, sản xuất công nghiệp phát triển, những năm qua, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh vừa chủ động, vừa phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, ngành và chính quyền các địa phương hướng dẫn xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Từ năm 2018-2023, Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh đã hướng dẫn, giám sát và xác nhận 97 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với số lượng sản phẩm lớn cung cấp vào các thị trường có yêu cầu cao; trong đó, riêng năm 2023 đã xác nhận 30 chuỗi. Các sản phẩm được xác nhận chủ yếu là: trứng, gạo, rau, củ, quả, thịt và các sản phẩm từ thịt... Công tác xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được gắn với các sản phẩm của Chương trình OCOP, sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh; xây dựng mô hình điểm các chuỗi gắn kết với tiêu thụ sản phẩm. Thông tin về cơ sở xác nhận chuỗi được công bố trên Cổng thông tin điện tử thành phần của Ban.

Ông Nguyễn Vinh Thanh, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh cho biết: Những năm qua, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh chuyển biến tích cực; các hoạt động bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, nề nếp. Đặc biệt, từ năm 2021 đến năm 2023 không có vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người mắc, số ca ngộ độc thực phẩm ngày càng giảm rõ rệt.

Có được kết quả đó, do tỉnh Bắc Ninh thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm,… Trong đó, xây dựng, phát triển chuỗi liên kết thực phẩm an toàn là phương pháp tiên tiến mang lại hiệu quả cao trong hoạt động quản lý an toàn thực phẩm. Ngoài ra, xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn không chỉ củng cố niềm tin từ người tiêu dùng mà còn là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đạt chuẩn, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm; tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của người dân trong sản xuất và tiêu dùng sản phẩm an toàn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Lãnh đạo Ban ATTP Bắc Ninh thăm mô hình thủy sản

Thực tế tại một số doanh nghiệp có chuỗi cung ứng lớn trên địa bàn tỉnh như Công ty TNHH Việt Farm – Chi nhánh Miền Bắc, Công ty TNHH Hương Việt Sinh, Công ty TNHH Nam Dũng Bắc Ninh, Công ty TNHH Phúc Hưng Bắc Ninh,… Nhận thấy việc xây dựng chuỗi liên kết giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn thực phẩm an toàn, kiểm soát được chất lượng, truy suất nguồn gốc dễ dàng,… Nhờ đó cũng đảm bảo quyền lợi bền vững cho các hộ nông dân. Đơn cử như Công ty TNHH Hương Việt Sinh là đơn vị cung cấp suất ăn cho khoảng 80 trường học trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và Hà Nội. Bên cạnh việc chủ động sản xuất được nhiều sản phẩm chất lượng như giá đỗ, đậu,… Công ty liên kết tạo vùng trồng rau tiêu chuẩn tại Bắc Ninh, tạo hiệu quả cao, an toàn cho cả doanh nghiệp và người nông dân trong nhiều năm qua.

Xây dựng chuỗi sản xuất và cung ứng thực phẩm an toàn đã và đang góp phần tích cực giúp cho cơ quan quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh quản lý tốt hơn hoạt động sản xuất nông nghiệp, sản xuất thực phẩm, cung ứng suất ăn; giúp Bắc Ninh thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu “Bắc Ninh phấn đấu không có thực phẩm không an toàn”. Nhìn từ lợi ích cộng đồng và giá trị doanh nghiệp nhận thấy việc xây dựng, chứng nhận chuỗi sản phẩm cung ứng thực phẩm an toàn giúp nhận diện sản phẩm, quảng bá và truy xuất nguồn gốc do sản phẩm được kiểm soát từ khâu sản xuất đến lưu thông trên thị trường, giúp cho người tiêu dùng dễ dàng nhận biết và tiếp cận được với các nông sản thực phẩm an toàn. Đây là đòi hỏi thực tế để đảm bảo lợi ích người tiêu dùng và duy trì “mạch sống” bền vững của doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh.

Để đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, các cơ quan chức năng khuyến cáo người dân khi lựa chọn thực phẩm cần kiểm tra rõ nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm và lựa chọn những địa điểm tin cậy để tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đối với thực phẩm tươi sống, nên mua ở các hàng quen, uy tín, nơi bán sạch sẽ. Đối với thực phẩm đóng gói hoặc chế biến sẵn, nên chọn mua sản phẩm có nguồn gốc uy tín, an toàn; có ngày tháng sản xuất, thời gian sử dụng, cách bảo quản, chế biến và thành phần chính trong thực phẩm... tránh mua thực phẩm sử dụng quá nhiều phụ gia gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Chỉ chọn các thực phẩm còn hạn sử dụng, bao gói phải còn nguyên vẹn.

MN
Nguồn: congnghieptieudung.vn