Tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thủy sản
Trong thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách và chỉ đạo triển khai công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh ngày càng đồng bộ, hiệu quả. Chú trọng quản lý tốt thị trường buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống cây trồng, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và thủy sản; làm tốt công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật…góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản chung trong lĩnh vực nông nghiệp.
Để tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP, ngành nông nghiệp đã gắn kết chặt chẽ công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp với các nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; hướng dẫn việc thực hiện quy định quản lý sản xuất an toàn, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đảm bảo ATTP; xây dựng các mô hình trồng trọt theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao gắn với tiêu thụ. Chỉ đạo chặt chẽ việc ký cam kết thực hiện các quy định pháp luật về sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, cây trồng. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, thủy sản; tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y; hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, các quy trình thực hành chăn nuôi tốt..
Chú trọng xây dựng các mô hình trồng trọt theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao gắn với tiêu thụ
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tổ chức 72 hội nghị tập huấn cho hơn 6.800 đại biểu về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp; một số văn bản quy phạm pháp luật mới lĩnh vực ATTP, lĩnh vực giống cây trồng, thuốc BVTV, phân bón; hướng dẫn thiết lập và quản lý mã số vùng trồng, kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học…góp phần nâng cao nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm trong sản xuất nông sản; nâng cao hiểu biết, niềm tin của người tiêu dùng trong lựa chọn và tiêu thụ các sản phẩm nông lâm thủy sản được kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và được chứng nhận, xác nhận an toàn. Đến nay, toàn tỉnh có 81 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được cấp giấy chứng nhận Vietgap.
Công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, xây dựng và kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn thực chú trọng; riêng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã thông tin, kết nối tiêu thụ cho các hộ sản xuất, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trên nhóm zalo; đồng thời triển khai kết nối trực tuyến giữa cơ sở sản xuất nông sản trên địa bàn tỉnh với Cục chế biến và phát triển thị trường.
Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm được triển khai thường xuyên; trong 6 tháng đầu năm 2024, đã phối hợp lấy 20 mẫu giống lúa và 02 giống rau màu của 15 cơ sở để phân tích, kiểm tra chất lượng, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm theo quy định. Ngành nông nghiệp đã Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho 08 cơ sở, trong đó 03 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, 05 cơ sở chăn nuôi. Đánh giá duy trì điều kiện chăn nuôi trang trại quy mô lớn đối với 02 cơ sở; Cấp 05 giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh; Tổ chức ký cam kết, kiểm tra việc thực hiện ký cam kết đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; đến nay số cơ sở đã thực hiện ký cam kết là 752/895 cơ sở (đạt 84%).
Thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý chất lượng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, trọng tâm là đối tượng sản xuất kinh doanh, giết mổ nhỏ lẻ; việc quản lý sử dụng thuốc BVTV, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông, thủy sản. Trong đó, triển khai đúng, đầy đủ, kịp thời các văn bản QPPL của nhà nước về ATTP. Xử lý nghiêm và thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các tổ chức, cá nhân vi phạm trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV, hóa chất bảo quản nông sản thực phẩm, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thủy sản…Phối hợp đẩy mạnh xây dựng các vùng sản xuất nông sản an toàn đã được quy hoạch. Đồng thời khuyến khích tích tụ ruộng đất để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung có kiểm soát. Từ đó tập trung xây dựng và mở rộng các chuỗi thực phẩm an toàn, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật để có các sản phẩm chất lượng, an toàn. Tăng cường xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản phẩm để tăng sức cạnh tranh. Trước mắt tập trung vào các sản phẩm thế mạnh, đặc thù của tỉnh như: cà rốt, lúa Nếp cái hoa vàng, các giống lợn, gà... Đồng thời, tăng cường liên kết, xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, kết nối tiêu thụ nông sản thông qua việc hình thành hệ thống cửa hàng kinh doanh nông, lâm, thủy sản an toàn và các siêu thị. Chú trọng quảng bá các mô hình chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn; Tăng cường tuyên truyền, tập huấn, nâng cao ý thức, trình độ nông dân về sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn đạt tiêu chuẩn VietGAP, mô hình chuỗi sản xuất nông sản an toàn... nhằm tạo ra các sản phẩm an toàn, đáp ứng các quy định về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu, nâng cao và ổn định hiệu quả sản xuất.